Cứ sau mỗi cuộc cách mạng công nghệ, nhân loại lại tiến thêm một bước dài, giúp nâng tầm vóc lao động bằng việc tăng năng suất, đòi hỏi chất xám nhiều hơn.
Một vấn đề được đặt ra rất cấp bách, Cách mạng 4.0 tất yếu làm xuất hiện trí tuệ nhân tạo (AI) như là một phương pháp ứng dụng công nghệ vào lao động, đời sống xã hội.
Thông thường áp dụng AI chỉ dễ dàng diễn ra ở những nơi mà năng suất lao động, trình độ lao động đạt đến mức cao. Việt Nam sẽ làm thế nào với AI trong bối cảnh năng suất lao động kém hơn cả Lào, chỉ bằng 7% so với Singgapore…?
Về phương pháp, AI là giải pháp hữu hiệu cho những nền kinh tế có năng suất lao động thấp, có thể bắt kịp các nước phát triển nếu tận dụng được lợi thế của nó. Nhưng trong bối cảnh của Việt Nam, phải chăng có thể đi “lối tắt”?
AI là một lĩnh vực thuộc về khoa học máy tính, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, AI rất dễ thấy trong đời sống, như hệ thống sản xuất tự động, phần mềm quản lý sức khỏe, hay chiếc điện thoại cảm ứng…
Những năm gần đây người ta bắt đầu lo lắng tình trạng thất nghiệp nếu một khi AI được áp dụng rộng rãi, đó là tác động cơ học tất nhiên của nhiều cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong quá khứ.
Có thể bạn quan tâm
|
Chiếc máy hơi nước đã thay thế triệt để sức người, phát minh ra điện tạo ra nguồn năng lượng vô tận để vận hành máy móc, sự ra đời của máy tính giúp con người có thể tính toán hàng tỷ phép tính mỗi giây…
Nhưng thực tế, tình trạng thiếu hụt việc làm do máy móc không quá nghiêm trọng. Ngược lại nó là cánh tay nối dài của người lao động, chuyển biến hình thức lao động từ đơn giản, thô sơ sang tinh vi phức tạp.
Ví dụ, sự ra đời của hệ thống dây chuyền tự động có thể không cần sức lực của con người trong nhà xưởng, nhưng nó cũng tạo ra những ngành nghề mới giúp con người có việc làm, làm xuất hiện những khái niệm ngành nghề mới như “kỹ thuật viên”, “lập trình viên”, “bảo trì”, “bảo dưỡng”...
Với AI cũng không ngoại lệ, dù thông minh cỡ nào cũng không thể vượt ra ngoài trí não của con người, có nghĩa là AI không thể “độc lập” tuyệt đối nếu thiếu sự tác động của con người (!?).
Ứng dụng AI làm xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới hoặc nâng tầm những công việc hiện tại trở thành quan trọng, ví dụ lập trình viên, viết phần mềm, dữ liệu lớn (Big data)...
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 10 năm tới, 86% lao động Việt Nam trong ngành da giày có thể bị mất việc vì robot. Hiện Việt Nam có khoảng 55,5 triệu người trong độ tuổi lao động với đa số ở trình độ phổ thông và đây chính là đối tượng có khả năng bị robot thay thế công việc cao nhất.
Việt Nam có đặc điểm của một nền kinh tế có năng suất lao động chưa cao, đa số ở trình độ phổ thông. Lực lượng lao động phổ thông dĩ nhiên rất khó “hợp tác” với AI, vậy bài toán cần giải ở đây là làm sao để tạo ra đội ngũ lao động trình độ cao, đủ sức thích ứng với những ngành nghề do AI tạo ra. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Có thể thấy ở các nước phát triển, đội ngũ thất nghiệp được tạo ra sau mỗi kỳ suy thoái kinh tế, chứ chưa hẳn do áp dụng rộng rãi những tiến bộ của khoa học vào sản xuất, đời sống. Ví dụ cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933 làm 1/4 dân Mỹ thất nghiệp.
Cách mạng 4.0 đem lại cơ hội cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam, nhưng điều kiện đính kèm rất khó khăn, trước hết phải tạo ra đội ngũ lao động trình độ cao, những trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn như Vingroup vừa khai trương.
Tuy nhiên AI phổ biến để lại nhiều hệ lụy về mặt xã hội trong tương lai con người phải đối mặt, có thể đó là những cuộc khủng hoảng đời sống tinh thần.