“Triển lãm từ xa” là phương thức mới hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu trong đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn trong việc duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại do không có cơ hội tham gia trực tiếp các hội chợ, triển lãm tại nước ngoài.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tăng cường triển khai đa dạng các giải pháp ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu.
Theo hình thức này, các doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng mẫu trưng bày trực tiếp tại Hội chợ và thực hiện kết nối giao dịch trực tuyến với khách hàng thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số và đặc biệt là các nhà mua hàng có cơ hội xem xét, trải nghiệm sản phẩm thực tế một cách toàn vẹn.
Cục Xúc tiến thương mại tổ chức dàn dựng gian hàng chung thiết kế bắt mắt, đảm bảo các công năng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng, trưng bày giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại Hội chợ, lắp đặt các thiết bị, như máy tính, đường truyền internet, phần mềm công nghệ thông tin, phiên dịch… để các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể dễ dàng kết nối, đàm phán giao dịch trực tuyến với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mô hình "Triển lãm từ xa" là giải pháp phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, duy trì và mở rộng các hoạt động xuất khẩu cũng như tham gia vào các kênh phân phối tại thị trường các nước trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, đại diện Nhà tổ chức triển lãm Vinexad cho biết, từ năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại.
Các sự kiện như hội chợ, triển lãm do đó cũng bị ảnh hưởng về quy mô và thiếu vắng đi các khu gian hàng và khách mua hàng quốc tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ và buộc phải thu hẹp tần suất tổ chức, cũng như quy mô các sự kiện từ năm 2020 giảm khoảng 70% trong tổng số 20 sự kiện mà Vinexad tổ chức hàng năm.
“Trong năm 2021, hội chợ VIETNAM EXPO tại Hà Nội (tháng 4) và Triển lãm Top Thai Brands là hai sự kiện trực tiếp duy nhất được tổ chức tính đến thời điểm hiện tại, các sự kiện khác phải hoãn tổ chức và chuyển sang hình thức trực tuyến với quy mô nhỏ gọn hơn”, đại diện Nhà tổ chức triển lãm Vinexad nói.
Vẫn theo đại diện Nhà tổ chức triển lãm Vinexad, trước thời điểm COVID-19 xảy ra, quy mô các hội chợ triển lãm của chúng tôi tăng trưởng đều 20% hàng năm. Điều này cho thấy ngành triển lãm đóng vai trò song hành tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của từng lĩnh vực ngành hàng nói chung.
“Năm 2021 thực sự khó khăn hơn nhưng cũng là lúc chúng tôi củng cố số hóa lại hệ thống, và định hướng phát triển nền tảng Triển lãm trực tuyến (Virtual exhibition); Mô hình gian hàng từ xa (Remote booth) với các nhà trưng bày nước ngoài không sang trực tiếp nhưng vẫn có gian hàng trưng bày tại triển lãm; Các chương trình kết nối trực tuyến 1-1 (Online business matching) giữa DN trong và ngoài nước như là một hình thức không thể thiếu trong bối cảnh bình thường mới hiện nay”, đại diện Nhà tổ chức triển lãm Vinexad chia sẻ.
Là đơn vị đầu tiên tổ chức các phiên giao thương trực tuyến vào thời điểm đầu tháng 3/2020, đã đem lại cho Vinexad nhiều kinh nghiệm vận hành cách thức mới này, cũng như tạo ra một làn sóng chuyển đổi đặt tính hiệu quả giao thương lên hàng đầu dần trở nên phổ biến trong năm 2021.
Cụ thể năm 2020 với khoảng 20 phiên giao thương trực tuyến các nhóm ngành hàng với các thị trường (Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, LB Nga, Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 2021 mô hình Triển lãm & Kết nối giao thương trực tuyến (Online Expo & B2B) là VIETNAM EXPO tại TP.HCM & Triển lãm Quốc tế Ngũ kim & Dụng cụ cầm tay (Hardward & HandTools Expo) sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng (2/12/2021 – 2/1/2022) sẽ là sự kiện Vinexad kỳ vọng như “đòn bẩy” kích thích tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Các hình thức mới này là giải pháp duy trì được các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tuy các giao dịch là trực tuyến nhưng vai trò vận hành và kết nối sát mục tiêu của nhà mua và nhà bán là mấu chốt tạo ra hiệu quả.
Các hoạt động xúc tiến thời điểm này càng phải hiệu suất hơn rất nhiều so với thời điểm trước, bởi chúng góp phần nối lại các đứt gãy về nguồn cung và không ngừng tạo ra giá trị thương mại cho nhiều thành phần kinh tế.
VINEXAD nhận định được rằng dù tổ chức triển lãm hình thức Trực tiếp hay Online đều là những động thái tích cực có mặt được đó là nỗ lực nối lại các hoạt động xúc tiến thương mại, cùng với chuyển mình đầu tư, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành dữ liệu khách hàng và cho ra các mô hình triển lãm online, kết hợp kết nối online (Online business matching) để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên khách hàng và sự tín nhiệm của đối tác thường niên để tạo ra các “bắt tay online” nhưng đơn hàng thực tế.
“Chúng tôi cũng khẳng định, hai hình thức này không triệt tiêu mà là bổ trợ lẫn nhau cùng tạo nên sự hài hòa trong bối cảnh mới. Dự kiến trong các sự kiện sắp tới được tổ chức trực tiếp chúng tôi cũng sẽ vẫn duy trì các hình thức để bổ trợ cho cả mặt giao thương nội địa và thu hút đầu tư, xuất khẩu với đối tác nước ngoài”, đại diện Nhà tổ chức triển lãm Vinexad bày tỏ.
Theo các chuyên gia, việc tham gia các hội chợ triển lãm theo mô hình “Triển lãm từ xa” sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp duy trì và tìm kiếm khách hàng mới trong bối cảnh dịch đại địch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực môi trường
03:11, 30/08/2021
Thu hút FDI trong lĩnh vực cơ khí: (Kỳ 1) Kết nối doanh nghiệp "ngoại" và "nội"
03:30, 11/08/2021
Hải Dương: Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm đầu ra cho nông sản
09:33, 26/06/2021
Vì sao cần trung tâm sáng tạo kết nối doanh nghiệp?
15:03, 15/06/2021