Chứng khoán

Triển vọng cổ phiếu công nghệ năm 2025

Nguyễn Anh Minh, Trưởng nhóm đầu tư F319 20/12/2024 03:00

Cổ phiếu nhóm công nghệ tiếp tục “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán.

Nhóm này đang hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” với những triển vọng đầy tích cực năm 2025.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ những cổ phiếu có nền tảng tốt và triển vọng tích cực để tránh rủi ro.

kte so2
Đóng góp của các ngành vào kinh tế số trong năm 2024 - Nguồn: báo cáo e-Conomy SEA 2024


Chuyển dịch nền kinh tế số

Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số toàn diện. Đây là thời điểm tốt cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam phát triển với nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, ngân hàng và dịch vụ công… Có thể nói, chuyển đổi số đang mang lại sự thay đổi trong cách thức vận hành của doanh nghiệp, với trọng tâm là tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu…

Theo dự báo, chương trình chuyển đổi số quốc gia nhắm đến kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GDP của Việt Nam vào 2030. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek, Bain & Company, quy mô nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỷ USD năm 2024, tăng 16% so với năm trước. Dự báo quy mô này có thể tăng lên 90 - 200 tỷ USD vào 2030.

Cùng với đó, Việt Nam hiện đang được đánh giá là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới tại khu vực ASEAN. Các xu hướng như 5G, Internet vạn vật (IoT) cũng đang nhanh chóng được triển khai, giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và dòng vốn đầu tư quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm công nghệ lớn của khu vực, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tham gia vào quá trình phát triển của nền kinh tế số…

Đột phá công nghệ tiên tiến

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tích hợp chặt chẽ và phát triển mạnh của nhiều công nghệ tiên tiến như AI, IoT, ML (máy học), thực tế ảo, điện toán đám mây, điện toán lượng tử… Những công nghệ mới này không chỉ đem lại những giải pháp đột phá cho các doanh nghiệp mà còn thay đổi cách thức vận hành và quản lý. AI và ML giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, trong khi IoT kết nối và quản lý các thiết bị thông minh, điện toán lượng tử mở ra những khả năng tính toán vượt trội.

Theo thống kê, đến nay có 22% doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng AI vào sản phẩm, dịch vụ. Dù giá trị AI chưa mang lại kết quả ngay lập tức nhưng sẽ mang lại giá trị tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các chính sách ưu đãi, cùng với nguồn nhân lực chất lượng đã và đang được nỗ lực xây dựng, các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển và mở rộng quy mô. Đặc biệt, việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ giúp Việt Nam từng bước phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận các giải pháp tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu... Theo đó, triển vọng xuất khẩu phần mềm sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và khối EU mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp CNTT của Việt Nam.

Xem xét cổ phiếu nào?

Cùng với xu thế chính của nền kinh tế số, cổ phiếu công nghệ nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu sau đây:

FPT tự tin với các mục tiêu kinh doanh mới và kỳ vọng thị trường CNTT Mỹ phục hồi
FPT tự tin với các mục tiêu kinh doanh mới và kỳ vọng thị trường CNTT Mỹ phục hồi

Thứ nhất là cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT. Lợi thế chi phí thấp giúp FPT hưởng lợi từ mảng CNTT từ nước ngoài. Đây sẽ là động lực tăng trưởng của FPT. Dự báo lợi nhuận trước thuế của FPT năm 2025 có thể đạt gần 13.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng CNTT nước ngoài được dự báo tăng trưởng lần lượt đạt 29% và 31%. Đối với mảng CNTT trong nước, dự báo doanh thu của FPT có thể tăng 33% nhờ ra mắt FPT AI Factory.

Tình hình tài chính của FPT khỏe mạnh với lượng tiền mặt dồi dào và tỷ lệ thanh toán lãi vay cao. Nợ bằng ngoại tệ của FPT được phòng ngừa rủi ro hoàn toàn bằng cách phòng ngừa rủi ro trực tiếp và nguồn doanh thu bằng ngoại tệ. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu FPT khi cổ phiếu này ở quanh vùng giá 120.000 - 130.000 đồng/cp.

Thứ hai là cổ phiếu CTR của Tổng Công ty Công trình Viettel. CTR là công ty niêm yết duy nhất được hưởng lợi từ việc tăng phạm vi phủ sóng 3G/4G và tiềm năng thương mại hóa 5G. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu CTR khi cổ phiếu này ở vùng giá 110.000 đồng/cp. Khi sở hữu cổ phiếu này, nhà đầu tư cần lưu ý khi tiến độ thương mại hóa 5G chậm hơn dự kiến có thể làm chậm tiến độ xây dựng các trạm BTS, kéo theo doanh thu và lợi nhuận mảng hạ tầng cho thuê của CTR giảm.

Thứ ba là cổ phiếu VGI của Tổng Công ty Đầu tư Cổ phần Quốc tế VGI. Hiện nay, các quốc gia mà VGI đang đầu tư có quy mô nền kinh tế nhỏ và phụ thuộc nên sẽ gặp nhiều khó khăn trước tình hình biến động của thế giới, đặc biệt về vấn đề tỷ giá. Các thị trường mà VGI đầu tư như Metfone và Mytel có tỷ lệ thuê bao 4G/thuê bao thực lớn hơn 90%. Ngoài ra, các thị trường còn lại vẫn có dư địa phát triển 4G như Telemor (73%), Unitel (67%) và Natcom (64%), đặc biệt tại các thị trường châu Phi trong giai đoạn bùng nổ công nghệ 4G, như Movitel, Halotel, Lumitel,…

Những thị trường này giúp đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho VGI trong giai đoạn tới. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với VGI khi cổ phiếu này ở vùng 70.000đ/cp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng cổ phiếu công nghệ năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO