Thị trường vàng

Triển vọng thị trường vàng những tháng cuối năm 2024

LINH NGA 09/08/2024 10:30

Nếu căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng cắt giảm lãi suất và lực mua vào của các ngân hàng trung ương vẫn diễn ra thì giá vàng dự báo tiếp tục tăng trong năm nay.

Đó là chia sẻ của ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) với Diễn đàn Doanh nghiệp về các thông tin liên quan đến triển vọng thị trường vàng nửa cuối năm 2024 tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

shaokai_reportage-5.png
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC.

- Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới thời gian gần đây đang tăng mạnh. Từ nay đến cuối năm 2024, liệu xu hướng này có tiếp tục và điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường vàng, thưa ông?

Số liệu của chúng tôi cho thấy, trong quý 2 năm 2024 tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53% lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý 2. Giá vàng trung bình đạt 2.338 USD/ounce, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 2.427 USD/ounce trong quý 2.

Nhu cầu vàng của khối ngân hàng trung ương đạt tổng cộng 183 tấn trong quý 2, thấp hơn 39% so với quý 1 nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng vàng mua vào trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 483 tấn, tăng 5% so với mức kỷ lục 460 tấn ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023.

Khảo sát ngân hàng trung ương hàng năm của WGC đã xác nhận rằng các nhà quản lý dự trữ tin tưởng rằng các hoạt động phân bổ vàng sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp.

- Còn nhu cầu đầu tư vào vàng của nhà đầu tư, quỹ đầu tư vàng ra sao, thưa ông?

Đối với nhu cầu vàng, tôi nghĩ trong nửa cuối năm sẽ tăng. Vàng vẫn được dự báo sẽ vẫn hưởng lợi từ những bất ổn địa chính trị trên thị trường quốc tế cũng như đồng USD có thể rơi vào xu hướng giảm dài hạn.

Nếu căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng cắt giảm lãi suất, lực mua vào của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp diễn thì giá vàng được dự báo vẫn theo xu hướng đi lên mốc mới trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường vàng cũng sẽ chịu tác động trước bất kỳ thay đổi chính sách liên quan tiềm năng nào.

- Vậy thị trường vàng và nhu cầu đầu tư vàng sẽ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cụ thể ra sao, thưa ông?

Có rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vàng thời gian tới, đó là: Nhu cầu vàng của khối bán lẻ và các Ngân hàng TW rất mạnh và dự báo là sẽ chưa giảm. Vàng có hiệu suất lợi nhuận rất tốt trong năm 2024, giá vàng đã tăng 12% trong nửa đầu năm 2024, vượt trội so với hầu hết các loại tài sản khác. Lạm phát vẫn đang là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới và đô la Mỹ không còn là lựa chọn duy nhất. Thông thường, USD yếu hơn và lãi suất của Mỹ thấp hơn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi.

thi-truong-vang-2024.png
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn.

Trong thời gian tới, vàng và nền kinh tế toàn cầu có thể đang chờ đợi một chất xúc tác. Đối với vàng, chất xúc tác này có thể đến từ sự kết hợp giữa lãi suất giảm, bong bóng kinh tế và rủi ro địa chính trị, giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ phương Tây.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu vàng của khối ngân hàng trung ương giảm mạnh hoặc hoạt động chốt lời rộng khắp từ các nhà đầu tư châu Á có thể làm giảm hiệu suất của vàng.

Bất ổn kinh tế và địa chính trị có xu hướng là động lực cho thị trường vàng do nhà đầu tư có tâm lý tìm đến tài sản trú ẩn an toàn và lưu trữ giá trị tin cậy. Vàng có mối tương quan thấp với các loại tài sản khác, do đó có thể đóng vai trò như bảo hiểm trong thời kỳ thị trường đi xuống và căng thẳng địa chính trị.

- Đối với thị trường vàng Việt Nam, nhìn nhận theo xu hướng từ đầu năm tới nay, ông đánh giá ra sao về nhu cầu vàng đặc biệt là từ nay tới cuối năm. Trong báo cáo thị trường vàng quý 2 của WGC cho thấy nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 2 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn? Đánh giá của ông thế nào?

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Kết quả là nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới, nhu cầu vàng trang sức toàn cầu trong quý 2 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam và Indonesia ghi nhận ​​nhu cầu vàng trang sức yếu hơn trong quý 2, trong khi Thái Lan đi ngược lại xu hướng mặc dù giá vàng cao kỷ lục.

Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 2 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.

- Từ năm 2012 đến nay, NHNN Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo ông, Việt Nam cần phân bổ hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp như thế nào để tránh ảnh hưởng đến tỷ giá?

Về câu chuyện ổn định tỷ giá với nhập khẩu vàng để tăng cung thì Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đứng trước tình trạng khó khăn này. Ấn Độ là một ví dụ điển hình và nước này đã có nhiều giải pháp để vừa tạo ra cân bằng cung – cầu vàng trong nước mà không ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai.

Tôi cho rằng nếu Chính phủ Việt Nam cho phép nhập khẩu thì sẽ quản lý được tốt hơn. Việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp sẽ dựa vào lịch sử kinh doanh của các doanh nghiệp để đưa ra hạn ngạch và quyết định vẫn dựa vào NHTW Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng thị trường vàng những tháng cuối năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO