Triết lý Fudoshin giúp người Nhật "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến"

Theo Trí thức trẻ 08/12/2020 02:00

Dù dòng đời có thay đổi ra sao, chỉ cần con người giữa được sự kiên định và bình yên của bản thân, chuyện gì cũng có thể vượt qua.

Năm 2020 là một năm chưa từng có tiền lệ: khởi đầu bằng thảm họa cháy rừng kinh hoàng ở Úc và kết thúc với đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Với những người đang tìm kiếm một chút yên bình trong bão tố, tinh thần Fudoshin của người Nhật chính là thứ phù hợp nhất lúc này.

Fudoshin: Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

"Fudoshin" theo Hán tự là "bất động tâm", nghĩa là tâm trí bất biến, không suy chuyển. Đây là một khái niệm võ thuật của người Nhật.

Tinh thần Fudoshin có thể được tìm thấy ngay trong những sự vật, hiện tượng đời thường.

Một võ sĩ sumo cố gắng chống cứ dù bị tấn công quyết liệt. Một samurai đứng trước khoảnh khắc sinh tử với thái độ bình thản. Một tảng đá nằm sừng sững giữa con sông chảy xiết. Một cây sồi già đứng vững sau bao mưa gió bão bùng, qua bao mùa xuân hạ thu đông.

Nếu biết áp dụng tinh thần fudoshin vào trong cuộc sống thường ngày, bạn sẽ tôi luyện một ý chí thép - thứ giúp bạn đứng vững ngay cả khi phải đối mặt với bão tố cuộc đời.

Không dao động bởi khen lời khen hay lời chê

Nếu quá bận tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Giống như Lão Tử từng viết: "Kẻ nào để tâm đến cái nhìn của người khác, ắt bị thiên hạ cầm tù". 

Nói thì dễ như vậy, nhưng việc phớt lờ ý kiến của người khác không phải ai cũng làm được. Suy cho cùng, con người là động vật mang tập tính xã hội. Chúng ta tiến hóa theo thời gian dựa trên ý kiến của đồng loại. Vào thời kỳ săn bắn, kẻ nào bị thị tộc tẩy chay sẽ không tránh khỏi cái chết.

Tuy nhiên, trong thế kỷ 21 này, luật lệ đã khác. Internet đem lại nhiều lợi ích, nhưng giống như nhiều thứ quyền lực khác, nó là con dao hai lưỡi. Sống trong thời đại mạng xã hội phát triển, con người dễ dàng bày tỏ ý kiến với nhau.

Vì thế, những ý kiến đấy - dù mang thiện ý hay ác ý, dù lịch sử hay vô học - đều có sức nặng hơn rất nhiều. Cho phép bản thân bị ảnh hưởng bởi những lời nói dễ dàng thốt ra ấy là cho phép bản thân bị kiểm soát bởi nỗi sợ. 

Ngôn từ cũng chỉ là những cơn gió. Dù là lời khen hay lợi chê, là sự yêu thương hay ghét bỏ, hãy cứ tiếp nhận chúng như dòng sông chảy qua đá tảng. Hãy mỉm cười và cảm ơn ý kiến đánh giá của người khác và tiếp tục cuộc sống của mình.

Trở về nhà vào cuối ngày, nhìn thẳng vào mắt mình, cảm thấy thỏa mãn với công việc và hài lòng với cuộc sống chính là những gì tốt nhất bạn có thể mong đợi. Hãy trở nên mạnh mẽ để sống cuộc đời theo cách của mình, không nể nang người khác, không bị dao động bởi khen chê thưởng phạt.

Đó chính là bí quyết sống một cuộc đời bình yên và năng suất.

Đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước nhỏ trước

Một khi bạn đã có ý tưởng, hành động kiên định chính là chìa khóa để biến giấc mơ thành hiện thực.

Khoa học đã chứng minh rằng 80% mục tiêu trong năm mới đều thất bại vào tháng Hai. Kết quả này là do con người thường đặt ra mục tiêu quá cao, cố gắng "một bước lên thiên đàng". Những kế hoạch to lớn thường gây phản tác dụng, khiến con người e ngại hành động.

Thay vì đặt ra những mục tiêu không bao giờ thành hiện thực, hãy bắt đầu từ những bước nhỏ - nhưng đừng dừng lại.

Hãy nhìn vào những dòng sông băng làm ví dụ. Chúng nổi tiếng là có tốc độ chảy rất chậm, chỉ khoảng 30m mỗi ngày. Thế nhưng, nếu quan sát những dòng sông ấy trong nhiều năm, bạn sẽ thấy chuyển động chậm chạp của chúng đã thay đổi cảnh quan thế giới.

Lão Tử từng nói: "Tự nhiên không vội, nhưng tất thảy đều hoàn thành".

Thay vì đặt ra những mục tiêu cao ngất ngưởng, hãy xác định những cột mốc mà bản thân có thể hoàn thành, sau đó giải quyết từng bước một. Như dòng sông băng hay dung nham nóng đỏ chảy từ từ xuống núi. Như samurai huyền thoại Miyamoto Musashi viết: "Bước từng bước một, đi ngàn dặm đường".

Phát triển một ý chí kiên định chính là con đường chắc chắn dẫn tới thành công.

Nhìn lại một năm đã qua với triết lý Fudoshin giúp người Nhật tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến: Dục tốc bất đạt, có nhẫn nại mới thấy được an yên - Ảnh 2.

Kiên nhẫn là kỹ năng thường bị đánh giá thấp

Chạy loạn lên như một con gà không đầu không phải là dấu hiệu của năng suất. Chỉ những kẻ mới bắt đầu mới nghĩ thế.

Những người khôn ngoan đều hiểu rằng nhẫn nại chờ đợi, hành động ngay khi cơ hội đến mới là cách làm việc hiệu quả nhất.

Thiết lập một nguồn thu nhập tự động. Chiến thuật giật dây của Muhammad Ali. Giả chết để lừa kẻ săn mồi. Sư tử kiên nhẫn rình mồi.

Tôn Tử từng viết trong binh pháp: "Trước kia người giỏi dụng binh đánh giặc, trước tiên phải không để bại, sau mới đánh bại kẻ địch. Chờ bên sông đủ lâu, xác địch sẽ trôi đến".

Ngay cả tỷ phú Warren Buffett cũng đồng tình với điều này. Nhà đầu tư huyền thoại dành phần lớn thời gian để đọc sách và chỉ đưa ra một vài quyết định quan trọng trong năm. Tuy nhiên, những quyết định này lại giúp ông kiếm hàng tỷ USD.

Khi cơ hội ngon ăn chưa tới, hãy nhẫn nại chờ đợi. Điều này không có nghĩa là bạn rút lui, thư giãn và không làm gì cả. Thay vào đó, bạn nên ở nguyên vị trí, chờ cơ hội như rắn rình mồi, bảo toàn năng lượng, trau dồi trí tuệ theo thời gian. Khi cơ hội xuất hiện, đó là lúc bạn chớp lấy.

Đây mới là hiệu quả thực sự.

Ngoại cảnh không quan trọng, quan trọng là thái độ của bạn

Bên cạnh việc mỉm cười và phớt lờ các chỉ trích, chúng ta cũng nên coi các thách thức ngoại cảnh chỉ là yếu tố ngoại cảnh.

Tâm lý học có một khái niệm gọi là "quỹ tích kiểm soát". Đó là "mức độ mà con người cảm thấy mình có quyền kiểm soát các sự kiện ảnh hưởng tới cuộc sống của mình".

Những người nghiêng về kiểm soát nội bộ tin rằng họ có thể kiểm soát những điều đang diễn ra trong cuộc sống. Những người nghiêng về kiểm soát bên ngoài lại cho rằng các biến số ngoại cảnh tác động đến cuộc đời họ.

Nhìn lại một năm đã qua với triết lý Fudoshin giúp người Nhật tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến: Dục tốc bất đạt, có nhẫn nại mới thấy được an yên - Ảnh 3.

Thú vị là, khoa học đã chỉ ra rằng những người nghiêng về kiểm soát nội bộ thường tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, đưa ra quyết định sáng suốt hơn, tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn, cảm thấy hạnh phúc và thành công hơn.

Tâm lý học hiện đại đã chứng minh triết lý đã tồn tại hàng thế kỷ qua: Ngoại cảnh quan trọng, nhưng không thể kiểm soát được. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào thứ duy nhất mình có thể kiểm soát: bản thân.

Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từng viết: "Nếu bạn đau khổ vì bất cứ yếu tố bên ngoài nào, nỗi đau không xuất phát từ sự vật đó, mà do đánh giá của chính bạn. Vì thế, bạn có quyền thu hồi nó bất cứ lúc nào".

"Chọn không bị tổn thương - bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương. Không cảm thấy bị tổn thương - bạn sẽ chưa từng bị tổn thương".

Goi Nasu có câu: "Biển cả chẳng thể đánh chìm một con tàu nếu nước không lọt vào. Tương tự, sự tiêu cực của thế giới cũng chẳng thể hạ gục bạn, trừ khi bạn cho phép chúng kiểm soát mình".

Thời khắc đen tối nhất chính là lúc cho phép chúng ta tỏa sáng liên tục và rực rỡ. Chính dòng chảy không ngừng của sông đã thử thách sự vững vàng của đá. Chính cơn bão khắc nghiệt đã thử thách sự vững chãi của rừng cây. Giông tố ngoài kia càng dữ dội, nội tâm của bạn càng phải bình tĩnh. Để vượt qua cơn bão, bạn phải trở thành mắt bão.

Đó chính là ý nghĩa của tinh thần fudoshin - khái niệm sẽ giúp bạn "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến", vững vàng trước mọi bão bùng mà cuộc đến ném vào mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triết lý Fudoshin giúp người Nhật "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO