Doanh nghiệp

Trợ lực cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng

Hạnh Lê 09/12/2024 03:01

Tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI là cơ hội để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh nhanh hơn, tận dụng tốt hơn các FTA.

Gia tăng giá trị xuất khẩu từ FTA

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo dựng quan hệ đối tác với khoảng 56 quốc gia và các quốc gia này chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Trong đó, có những FTA thế hệ mới được đánh giá là hấp dẫn và toàn diện như hiệp định CPTPP đang thu hút rất nhiều thành viên tham gia.

xuat khau
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng giá trị từ các FTA

Đến ngày 15/12, Vương quốc Anh sẽ chính thức trở thành thành viên của CPTPP. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng được nhiều ưu đãi về thuế quan hơn khi xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường này.

Thời gian qua, tận dụng lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp FDI trong các ngành: linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính… đã gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các FTA thế hệ mới cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI khi các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tiếp cận thị trường Việt Nam khi nhìn nhận những cơ hội rất lớn từ FTA thế hệ mới như hiệp định CPTPP mang lại.

Các doanh nghiệp trong nước ở các ngành nghề thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản đã tận dụng các FTA để gia tăng giá trị xuất khẩu nhưng còn ở mức độ tương đối hạn chế. Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, tỉ trọng của doanh nghiệp trong nước ở các FTA như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA ở dưới 10%. Vì thế, dư địa và cơ hội để doanh nghiệp trong nước tận dụng tại các thị trường FTA còn rất lớn gắn liền với việc củng cố nội lực đủ mạnh.

Một trong những con đường để tận dụng tốt hơn các FTA, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các doanh nghiệp FDI để hình thành chuỗi cung ứng, học hỏi từ “người khổng lồ” để doanh nghiệp trong nước có thể lớn mạnh nhanh hơn, rút ngắn thời gian hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi kết nối với doanh nghiệp FDI đã được hưởng lợi được rất nhiều như nâng cao năng lực về nhân lực, kinh nghiệm quản trị… thông qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI.

Chia sẻ thêm, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh COVID - 19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tìm kiếm những nhà cung ứng trong nước để đảm bảo cho quá trình sản xuất được ổn định nhất, hạn chế thiệt hại do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trợ lực để doanh nghiệp hấp thụ những cơ hội

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, với các FTA thế hệ mới như CPTPP thường đưa ra những quy tắc tương đối ngặt nghèo với mong muốn các nhà cung cấp cũng như sản phẩm cuối cùng có sự kết nối chặt chẽ với nhau để gia tăng hàm lượng nội địa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển dài hạn thay vì chỉ gia công, lắp ráp.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi.

nha cung ung
Để tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước cần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực và sự trợ lực của các cơ quan chức năng

Trước tiên là thay đổi tư duy, xác định mục đích để đặt ra bài toán, con đường sẽ theo đuổi. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe. Ví dụ, thị trường EU có những quy định mới như CBAM, EUDR hay thẩm định chuỗi cung ứng. Với CPTPP hay những đối tác khác ngày càng chú trọng hơn vào những tiêu chuẩn như ESG. Vì thế doanh nghiệp sẽ phải hướng vào những tiêu chuẩn cao hơn để đáp ứng tiêu chuẩn trong chuỗi FDI.

Thứ hai, doanh nghiệp phải tìm kiếm những đối tác phù hợp với phân khúc hoặc định vị của mình trong tương lai để tiếp cận; so sánh giữa hiện trạng với năng lực để nỗ lực thay đổi, tiệm cận nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Từ phía các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi từ các hiệp định như CPTPP cần nỗ lực cùng với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đào tạo, chia sẻ những kinh nghiệm, công nghệ để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI.

Trong quá trình thay đổi đó, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các tập đoàn toàn cầu để tham gia chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và nhiều cơ quan ban, ngành ở địa phương cần phối hợp cùng với doanh nghiệp để xử lý khoảng cách của doanh nghiệp Việt Nam với tiêu chuẩn của các doanh nghiệp FDI hiện nay.

Cụ thể, có sự kết nối chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn và đồng hành với doanh nghiệp một cách thiết thực hơn. Khi ban hành các chính sách cần phải hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” nhiều hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Ví dụ doanh nghiệp khó về vốn, không chỉ kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hay Hiệp hội ngân hàng để tìm ra những giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn.

Hay các chính sách hỗ trợ thay vì chung chung, không tập trung vào một ngành hàng, thị trường cụ thể sẽ được thiết kế một cách chi tiết hơn, đồng hành với doanh nghiệp và đo lường những kết quả đó cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trợ lực cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO