Hôm nay (30/8) là lần đầu tiên tròn 24h qua, kể từ ngày 25/7, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mắc mới. Chúng ta vui vì đã từng bước khống chế COVID-19 nhưng vẫn không được chủ quan.
Tính đến 18 giờ ngày 30/8, tròn 24 giờ lần đầu tiên kể từ ngày 25/7 Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến thời điểm này, số ca mắc vẫn là 1.040.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi cho 695 bệnh nhân COVID-19/ 1.040 ca mắc. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 40 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 48 ca, số ca âm tính lần 3 là 27 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 11 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/11trường hợp, và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 5 trường hợp. Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 32 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.
Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra nhiều bài học trong quá trình chỉ đạo, trong đó có tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chỉ đạo, thực hiện; xét nghiệm nhanh, rộng, ứng dụng các phần mềm như Bluezone, truyền thông thông tin kịp thời, người dân ủng hộ, nhất là hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trung ương và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm an toàn, kiểm soát nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kép.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, nước ta hội nhập sâu rộng, do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành Y tế không được chủ quan, không được coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Trong bối cảnh toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng âm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được COVID-19, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch thì vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế-xã hội ở mức độ cần thiết. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo 2 nhiệm vụ này để làm sao đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội.
Cần tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm. Ngành Y tế cần suy nghĩ về việc nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc COVID-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, là người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong. Không được để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải làm nhanh hơn, làm sớm hơn, cương quyết hơn bởi vì đường nào thì đây cũng là nơi chữa bệnh, dễ lây nhiễm.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì giao giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các địa phương trong cả nước.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Nếu không thần tốc, quyết liệt thì dịch sẽ lây lan nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Phải khoanh vùng thật gọn, dập dịch thật nhanh, truy vết kịp thời và cách ly thật triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng.
Ngày 29/8, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Các bị cáo trong vụ án gồm: Chen Xian Fa (nam, sinh 1993, quốc tịch Trung Quốc), Hồ Thị Thu Trinh (nữ, sinh 1996, trú tại Quảng Nam) và Huỳnh Ngọc Diễm (nữ, sinh 1979, trú tại Đà Nẵng). Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 đến cuối tháng 6/2020, vì động cơ vụ lợi, Chen Xian Fa, Hồ Thị Thu Trinh, Huỳnh Ngọc Diễm đã 3 lần tổ chức móc nối với nhau trong việc tìm, thuê nhà ở Đà Nẵng với mục đích đưa người Trung Quốc đến ở trái phép. Sau khi Trinh và Diễm tìm được nhà, Chen Xian Fa liên lạc với các đường dây đưa người từ Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và Chen Xian Fa đã tổ chức nhiều lần, đưa được nhiều người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đến ở tại nhà số 84 Tuy Lý Vương và 39 Dương Tử Giang, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ngoài ra, Hồ Thị Thu Trinh và Huỳnh Ngọc Diễm còn tích cực hỗ trợ nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trong việc tìm kiếm phương tiện di chuyển, cất giữ tài sản, phương tiện và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người nói trên trong sinh hoạt tại Đà Nẵng. Chen Xian Fa thu lợi từ số tiền cho chạy quảng cáo bán hàng đối với nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Trinh và Diễm thu lợi từ việc cho thuê nhà và dịch vụ khác với số tiền hơn 214 triệu đồng. Tại phiên tòa, cả 3 bị cáo đều thừa nhận phạm tội và hối lỗi về hành vi phạm tội của mình. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Chen Xian Fa 8 năm tù; bị cáo Hồ Thị Thu Trinh 6 năm tù; bị cáo Huỳnh Ngọc Diễm 5 năm tù. |
Có thể bạn quan tâm
07:00, 30/08/2020
07:00, 29/08/2020
01:54, 29/08/2020
16:53, 28/08/2020
11:00, 28/08/2020
07:00, 28/08/2020
04:04, 28/08/2020
21:47, 27/08/2020