Nhiều vụ việc nhỏ cần đến Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại nhưng Trung tâm không giải quyết dẫn đến các bên đều tiến thoái lưỡng nan và không thể dắt nhau ra tòa...
Hoạt động trọng tài thương mại trên địa bàn TP HCM đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp tích cực đón nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế giữa các bên trong quá trình phối hợp, kết nối và tiếp nhận vụ việc cần đến trọng tài thương mại.
Kết nối chưa thông
Đại diện của Hội Thương mại TP (HCCAA) cho biết ngày 18/08/2019, HCCAA nhận được Đơn đề nghị có ý kiến của Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh (247 -249 đường Lê Thánh Tông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) về Quyết định hủy phán quyết Trọng tài của Hội đồng xét đơn yêu cầu thuộc TAND TP HCM đối với phán quyết của Trung tâm Trọng tài Thương mại TP HCM (TRACENT). Đồng thời, HCCAA cũng nhận được văn bản từ TRACENT về việc hủy phán quyết trọng tài của Hội đồng xét đơn yêu cầu thuộc TAND TP HCM.
Đại diện Hội Trọng tài thương mại TP HCM cho biết theo khoản 1 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Sau khi thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có thẩm quyền thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp và Viện kiểm sát cùng cấp”.
TRACENT chỉ là một trong những trường hợp cho thấy sự kết nối giữa các bên Tòa án, Trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại vẫn còn những đứt gãy, chưa đảm bảo thông suốt
Tuy nhiên, từ sau khi Bị đơn nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đến nay, TRACENT không nhận được thông báo từ TAND TP HCM. Mặt khác, khoản 6 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc và Viện kiểm sát cùng cấp”. Tuy nhiên, TAND TP HCM ra Quyết định hủy Phán quyết Trọng tài vào ngày 13/8/2019 (theo thông tin trên báo Pháp luật TP. HCM ) nhưng đến nay TRACENT vẫn chưa nhận được Quyết định này từ TAND TP. HCM.
"Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định khi có yêu cầu Hủy phán quyết Trọng tài, Tòa án có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc. Tuy nhiên, việc thông báo trên thực tế vẫn chưa được thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại chỉ mới quy định về việc Tòa án phải thông báo cho Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc về việc thụ lý yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, mà chưa có quy định về việc tham gia của Hội đồng trọng tài hoặc Trọng tài vụ việc trong quá trình xét đơn Hủy phán quyết", Hội Trọng tài thương mại nêu quan điểm.
Vụ việc nhỏ nhưng chuyện không nhỏ
Cũng theo HCCAA, một trong những mục tiêu Hội trong năm 2019 đó là nâng cao nhận thức của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp về vai trò, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tuyên truyền, HCCAA nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp về việc khi có tranh chấp xảy ra doanh nghiệp nộp đơn khởi kiện đến một Trung tâm Trọng tài thương mại, nhưng vì giá trị vụ tranh chấp nhỏ nên Trung tâm trọng tài này không thụ lý giải quyết, kéo theo hậu quả là vì các Bên tranh chấp đã lựa chọn Trọng tài giải quyết nên khi doanh nghiệp nộp đơn ra Tòa thì bị Tòa án trả đơn.
Điều này đã phần nào ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các doanh nghiệp khi thỏa thuận lựa chọn Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn cũng chưa có quy định cụ thể về trường hợp Trung tâm Trọng tài không thụ lý giải quyết vụ việc theo quy định.
Ngoài ra, HCCAA cũng cho rằng pháp luật hiện hành có những quy định dẫn đến loại trừ, thu hẹp thẩm quyền trọng tài đối với một số loại tranh chấp. Cụ thể, Thông tư số 19/2014/TT-BCT ngày 18/6/2014 của Bộ Công Thương ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt; Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình đã ban hành quy định về mẫu hợp đồng trong một số lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên tại điều khoản giải quyết tranh chấp của các hợp đồng mẫu áp đặt các bên lựa chọn Tòa án hoặc có quy định về việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài nhưng cách quy định có thiên hướng áp đặt các bên lựa chọn Trung tâm trọng tài và điều khoản mẫu không nêu được tên trung tâm trọng tài.
Đây là những điểm vướng pháp lý rất cần được tháo gỡ để hoạt động của các Trung tâm Trọng tài được "rộng đường" đến với các điểm nóng, điểm nghẽn tranh chấp đang có xu hướng gia tăng, từ hoạt động kinh doanh, giao thương mở rộng của nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn phát triển kinh tế TP HCM.