Việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn đang khó khăn, do đó, cần tăng cường xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và các nước khác.
>>>Trung Quốc dừng nhập tôm hùm Việt: Doanh nghiệp cần khẩn trương đăng ký với Hải quan
Như DĐDN đã thông tin, thực trạng tôm hùm bông xuất khẩu đi Trung Quốc bỗng nhiên bị ách tắc suốt nhiều tháng nay đã khiến các cơ sở nuôi trồng rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”, tôm đến lứa nhưng không biết xuất đi đâu.
Thực tế số liệu trong 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là hai mặt hàng được xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 1 - 2%.
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo của Cục Thủy sản cho thấy, diện tích nuôi biển của Việt Nam ghi nhận năm 2022 là hơn 256.000 ha, đạt sản lượng gần 750.000 tấn. Còn năm 2023 sản lượng dự kiến đạt 800.000 tấn, riêng về tôm hùm khoảng 4.000 tấn.
Có thể thấy, Trung Quốc đã không còn là thị trường “dễ tính” với tôm hùm Việt Nam như trước. Đặc biệt, đối với tôm hùm bông, nước này đã đặt ra nhiều yêu cầu mới.
Cụ thể, từ ngày 1/2/2021, thị trường Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm II. Tháng 5.2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Trong đó, tôm hùm bông tự nhiên được quy định cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.
Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt. Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lấy lại đà cân bằng
Như vậy, để tôm hùm vào lại được thị trường “khó tính” này, cần đảm bảo các yêu cầu về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương và sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).
Bên cạnh đó, cơ sở nuôi phải đảm bảo chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi… Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu.
Từ góc độ người nuôi tôm hùm, một chủ hộ nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa cho biết, có một số vấn đề cần được Cục Thú y xem xét, đặc biệt là liên quan đến quá trình kiểm dịch. Thời gian kiểm dịch kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng của các hộ dân. Ngoài ra còn vấn đề giao mặt nước biển và quy hoạch vùng nuôi, đây là những điểm quan trọng đang gây lo ngại cho người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu, xác nhận nguồn gốc thủy sản, khẩn trương xử lý vấn đề Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông.
Đồng thời, các đơn vị này hướng dẫn người nuôi tuân thủ nghiêm quy định Luật Thủy sản; điều kiện về nuôi trồng thủy sản, xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…
Được biết, ngay sau khi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận được danh mục các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đăng ký, sẽ đối chiếu với các hộ nuôi đã được Cục Thủy sản chỉ đạo địa phương thống kê, thẩm định, đối khớp hai danh sách này lại với nhau. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ kịp thời gửi đăng ký với phía Trung Quốc đối với những cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm đáp ứng đủ yêu cầu. Do đó, cần sớm xây dựng mã số vùng nuôi, giúp truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ để tôm hùm rộng cửa xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị.
Đáng lưu ý, nhận định việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn đang khó khăn. Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng cần đồng thời tăng cường xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và các nước khác.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 28/11/2023
03:00, 02/10/2023
01:00, 29/09/2023
16:00, 22/09/2023