Có thể chúng ta được tưng bừng từ đêm ngày 27/8, cũng có thể thẫn thờ bước ra khỏi quán cà phê hay tụ điểm offline, nhưng chẳng sao cả!
Nếu ngôn từ miêu tả sự thành công được khai thác bao nhiêu thì trạng thái thất bại được bù trừ chừng ấy, âu cũng là quy luật cuộc sống. Cổ nhân từng vinh quang tột bậc và cũng đắng cay chạm đáy, vì vậy họ khuyên chúng ta vui chừng mực, buồn vừa phải.
Năm Mậu Tuất đem đến cho dân tộc Việt Nam quá nhiều niềm vui trong bóng đá, thôi không cần nhắc lại, chỉ vài chục giờ đồng hồ nữa thôi, hàng chục triệu người sẽ đối diện với niềm hân hoan tột bậc hoặc sự hụt hẫng khó bù lấp trong thời gian ngắn.
Trước trận tứ kết môn bóng đá nam Asiad 18 với đối thủ khó chơi, U23 Syria, lướt qua một vòng các trang mạng dường như không thể tìm được đường lùi cho các chàng trai Olympic Việt Nam.
Tôi thoáng thấy lo sợ, lo sợ họ (nếu thất bại) sẽ hứng mọi búa rìu dư luận, lo sợ cho ông Park Hang Seo - một khi thúc thủ trước U23 Syria không ai khác mà chính là ông với các học trò lập tức lên đoạn đầu đài trươc “quan tòa” cộng đồng mạng!
Ánh Viên - ngôi sao bơi lội từng tỏa sáng rực rỡ tại Seagame gần nhất, đương nhiên, lúc đó cô nàng không đủ chổ để chứa đựng những lời có cánh, Asiad năm nay Ánh Viên thi đấu không thành công, lập tức những cái tít buồn rười rượi nhắm vào cô - có công bằng?
Có thể bạn quan tâm
|
Ai đem đến những khoảnh khắc sung sướng để bàn phím nhảy múa không giới hạn? Vậy xin hãy nhớ lại cách đây vài năm trước khi nói đến những giọt nước mắt và nỗi buồn của cô ấy. Rất nên ngẫm và nghĩ!
Không đâu xa, tiền vệ tài hoa Lương Xuân Trường chơi chưa tốt trong trận gặp U23 Bahrain, không nhỏ một luồng truyền thông lập tức chỉ trích, thậm chí còn gọi đó là thất bại liên đới của thầy Park!
Sao không nhớ lại cách đây vài tháng tại sân bay Nội Bài, Xuân Trường là cái tên được dán trên nhiều biểu ngữ, là nguyên nhân… gây tắc đường ở Hà Nội?
Và tôi còn nhớ cái cảnh Phan Văn Đức lủi thủi với người mẹ trong một góc nhà chờ sân bay Nội Bài, một bó hoa, ánh mắt nháo nhác nhìn quanh rồi giọt nước mắt chảy dài của thân mẫu Đức. Và giờ đây, tại Asiad, Phan Văn Đức liên tục đá chính!
Khen có thể ngút trời mây nhưng chê - đừng đào hố chôn vùi người ta. Người hâm mộ bóng đá vẫn chưa trả hết ơn ơn thầy Park và các cầu thủ qua kỳ tích tại giải U23 Châu Á, lần này lại là một hồng ân, hồng ân của đời sống tinh thần, vì đã tạo ra sự hồi hộp, sung sướng lẫn âu lo.
Nếu chúng ta thua trong trận gặp U23 Syria? Không vấn đề gì, đó là một đặc điểm thường có của thể thao đỉnh cao, truyền thông xin hãy bớt đào xới, vì ông Park và các cầu thủ còn muốn thắng hơn chúng ta gấp triệu triệu lần.
Nếu trở về sau trận đấu với U23 Syria, người viết vẫn mong muốn một thái độ “bình thường” của người hâm mộ lẫn truyền thông, mặc dù rất buồn. Có khi nào ai đó tưởng tượng, những ông lớn của bóng đá Châu Á - họ thất bại bẽ bàng trước một đội bóng đến từ “vùng trũng” Đông Nam Á, họ áp lực biết mấy?
Nếu chúng ta không được hưởng niềm vui chiến thắng thì một dân tộc nào đó ở cùng Châu lục lại có diễm phúc tận hưởng nó. Vì vậy, nên chúc mừng đội tuyển ấy, đất nước ấy hơn là chĩa mũi dùi về thầy trò ông Park Hang - Seo.
Tâm lý ấy chỉ làm chúng ta vượt qua cái tôi ích kỷ của bản thân, phá bỏ thông lệ “thắng lên mây, thua về sát mặt đất”.
Với những gì đoàn quân của ông thầy người Hàn Quốc thể hiện qua nhiều giải đấu, dù có thắng hay thua trước U23 Syria giá trị của họ vẫn không thay đổi, cộng đồng Đông Nam Á và cả Châu Á công nhận điều đó.
Nhưng tôi tin, Olympic Việt Nam là “cửa khó” với U23 Syria, chúng ta có những cá nhân xuất sắc, có khả năng bùng nổ đúng thời điểm đủ sức kết liễu trận đấu. Đây không phải là nhận định mơ hồ, mà đã được thể hiện hồi đầu năm ở Thường Châu - Trung Quốc và gần đây là bàn thắng của Công Phượng vào lưới U23 Bhrain ở thời điểm khó khăn nhất.
Tin tưởng tài thao lược của ngài Park và cái duyên của ông với bóng đá Việt Nam, chúng ta đã thắng Bahrain như một định mệnh - khi đối phương có nhiều cơ hội nguy hiểm hơn.
Có thể chúng ta được tưng bừng từ đêm ngày 27/8, cũng có thể thẫn thờ bước ra khỏi quán cà phê hay tụ điểm offline, nhưng chả sao cả. Hơn thua là chuyện thường tình không chỉ với bóng đá.