“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá”.
Đây là những câu hát vọng mãi trong tôi trong hải trình đến với Trường Sa vào những ngày cuối tháng 4.
46 năm trước, đúng 9 giờ ngày 29/4/1975, Cờ Giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Sau 45 năm, Trường Sa hôm nay đã có nhiều thay đổi. Lịch sử sang trang, quần đảo cằn khô xưa kia đã khoác lên mình màu áo mới.
Đến Trường Sa trong những ngày này khiến tôi ngỡ ngàng: Tất cả các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, con đường từ cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, các đơn vị, chùa, trường học, hộ dân… đều được bê tông hoá 100%, sạch sẽ và ẩn mình dưới những tán cây xanh mát. Nhiều công trình dân sinh đã được đầu tư xây dựng trên đảo như: nhà đèn, bệnh xá, trung tâm y tế, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa…
Tại các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, hình ảnh những cột tua bin gió cao hàng chục mét, những tấm pin năng lượng mặt trời phủ kín nóc các mái nhà. Khi màn đêm buông xuống, quần đảo lung linh ánh điện. Khi bình minh thức dậy, Trường Sa náo nhiệt với cuộc sống thường nhật chẳng khác đất liền.
Cách xa đất liền, cuộc sống ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn, song những những người lính Hải quân và người dân ở Trường Sa luôn biết vượt qua thử thách để sẵn sàng huấn luyện chiến đấu và “làm giàu” cho cuộc sống nơi đảo xa.
Những cải tiến, “sáng chế” ra nhiều sản phẩm có ích mà ở ngoài đảo không dễ gì thực hiện thành công, thế nhưng ở đất liền có gì, bây giờ ở đảo Trường Sa có thứ ấy. Đó là những vườn rau xanh mướt với đủ các chủng loại, những chậu cây cảnh được cắt tỉa rất công phu, những “tuyệt chiêu” về nuôi gà, vịt, lợn… sao cho thích hợp với thời tiết, đều được những người lính đảo thực hiện sau những giờ huấn luyện trên thao trường.
Binh nhất Nguyễn Nhi Phương (1997) quê Bình Thuận chia sẻ: "Ở đây việc trồng, chăm sóc rau cũng là một tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị. Nhờ đó chúng tôi có thể tự túc được rau ăn hằng ngày”.
Nhưng thời tiết không chịu lòng người. Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa thường khắc nghiệt. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: Ở đây có lúc nắng như đổ lửa, khi mùa mưa bão thì sóng, gió cuồn cuộn, mịt mù.
Thấu hiểu nỗi gian lao, vất vả của người lính đảo, những năm qua, triệu triệu tấm lòng trên khắp mọi miền Tổ quốc luôn hướng về Trường Sa, cùng Nhà nước chung tay xây dựng quần đảo. Thượng tá Trần Văn Quế - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông tâm sự: “Giờ đây, quần đảo Trường Sa đã trở thành một thị trấn sầm uất với đầy đủ chức năng hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, văn hóa tâm linh”. Không chỉ những đảo nổi như: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây thay da, đổi thịt mà cả những đảo chìm như: Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn, Đá Lát… cũng bề thế, uy nguy giữa đại dương bao la.
Sự đổi thay ấy không chỉ là kết quả của sự sáng tạo, cần cù từ bàn tay khối óc của những chiến sĩ “áo vằn cánh sóng”, mà còn là khát vọng hòa bình, sự chung sức, đồng lòng xây dựng quần đảo của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
05:29, 30/04/2021
05:10, 30/04/2021
01:14, 30/04/2021
22:27, 28/04/2021
01:57, 27/04/2021
19:47, 26/04/2021