Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, không thể để sự việc nợ thuế của Unilever Việt Nam kéo dài mãi. Unilever đúng hay sai, có phải truy nộp thuế hay không phải làm rõ sớm.
Ông Phú cho rằng, phải xử lý dứt điểm sự việc này trong quý I/2019 bởi để tồn tại, kéo dài sự việc làm mất cả uy tín của cơ quan quản lý. Đồng thời không nên để cơ quan kiểm toán làm một mình, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan khác, chẳng hạn như thanh tra của Bộ Tài chính, Cục quản lý cạnh tranh... để xử lý vụ việc cho khách quan.
Có thể bạn quan tâm
13:01, 08/12/2018
14:00, 23/11/2018
Ông Phú nhắc lại nhiều bài học nhãn tiền về thuế của Việt Nam đối với doanh nghiệp FDI, tiêu biểu là vụ Metro bị truy thu thuế 500 tỷ đồng, hay việc Lotte kêu "thua lỗ nặng" sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam bất chấp đồ thị tăng trưởng doanh thu vẫn đẹp như mơ; việc Fivimart trong thời gian gắn bó với AEON kêu lỗ 200 tỷ đồng...
“Tại sao nhiều doanh nghiệp FDI kêu lỗ mà vẫn cứ mở rộng, phát triển như vậy? Doanh nghiệp đã làm ăn luôn tìm cách sao cho có lợi nhất, không loại trừ cả việc trốn thuế, nhưng để cho doanh nghiệp trốn thuế được là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Thất thu thuế ở Việt Nam không hề nhỏ, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan thuế”, ông Phú nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Phú, Unilever chiếm thị phần lớn trên thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam và vấn đề nợ thuế của họ là rất lớn. Xử lý được trường hợp của Unilever sẽ lan tỏa đến các doanh nghiệp FDI khác.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương đánh giá, việc kêu cứu nhằm tác động tới cơ quan quản lý để không bị cưỡng chế thuế là không hợp lý. Nếu doanh nghiệp nào cũng làm như vậy, sự dung hòa giữa quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo. "Không nên dung dưỡng cho kiểu làm ăn như thế" - PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với báo chí liên quan đến việc truy thu thuế của Unilever, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã cho Unilever thời hạn 6 tháng để thu thập tài liệu chứng minh thuộc đối tượng miễn trừ thuế, tuy nhiên, công ty này không cung cấp được nên Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu số tiền 575 tỷ đồng đối với doanh nghiệp này.
Nguyên nhân khoản truy thu này, ông Hồ Đức Phớc cho hay, theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị cơ quan thuế truy thu thuế Unilever.