Truy xuất nguồn gốc hàng hoá: Cần bỏ cách làm “lúc chạy theo mắm tôm, khi đuổi giá đỗ”

Nguyễn Việt 27/01/2019 13:10

Phải giải quyết câu chuyện truy xuất từ gốc để người sản xuất không dám làm, còn đã làm mà đi truy xuất cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đánh giá, điểm tích cực của đề án là giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm đạt chất lượng, người sản xuất chân chính có thể đưa hàng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, trong đó có các siêu thị, trung tâm thương mại hay tại một số hội chợ, triển lãm…

Đã đến lúc phải quản lý theo chuỗi

Nói về mặt hạn chế, đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp ông Phú cho biết còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, vừa qua tại khu vực phía Nam có hiện tượng truy xuất nguồn gốc một đằng, nhưng đưa ra sản phẩm lại một nẻo, tức là không hình thành chuỗi sản phẩm. Tại TP HCM khi truy xuất nguồn gốc lợn thì thấy vòng đeo chứng nhận của lợn thì ở Đồng Nai nhưng lợn lại ở Long An.

Như vậy ở đây không có sự đồng nhất và thiếu tin tưởng, đánh mất niềm tin về truy xuất nguồn gốc. “Phải quản lý theo chuỗi thì việc truy xuất mới có giá trị, và cần tổ chức sản xuất sạch trước rồi mới đến truy xuất, vì truy xuất nguồn gốc mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ”, ông Phú nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia

    Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia

    23:21, 25/01/2019

  • Hà Nam: Gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản

    Hà Nam: Gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản

    13:48, 08/01/2019

  • Phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Lời giải cho bài toán cạnh tranh công bằng

    Phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Lời giải cho bài toán cạnh tranh công bằng

    09:45, 03/10/2018

  • Truy xuất nguồn gốc sản phẩm - xu thế tất yếu trong năm 2018

    Truy xuất nguồn gốc sản phẩm - xu thế tất yếu trong năm 2018

    06:39, 25/09/2018

  • Đà Nẵng thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản

    Đà Nẵng thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản

    12:24, 17/05/2018

  • Áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng nông sản

    Áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng nông sản

    15:06, 26/04/2018

  • Hoa quả Việt xuất sang Trung Quốc sẽ bị truy xuất nguồn gốc từ 1/4

    Hoa quả Việt xuất sang Trung Quốc sẽ bị truy xuất nguồn gốc từ 1/4

    13:38, 28/03/2018

  • Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Liệu có khả thi?

    Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Liệu có khả thi?

    11:24, 23/10/2017

Vẫn theo ông Phú, vấn đề quan trọng nhất trong truy xuất nguồn gốc là phải có sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hoặc quy trình sản xuất sạch có nhật ký ghi chép. Khi đã sản xuất sạch, hàng hóa đưa vào chợ sẽ luôn tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Nhưng nếu sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn, lọt qua cửa truy xuất nguồn gốc là lừa dối người tiêu dùng, tạo niềm tin giả tạo.

Tóm lại, theo ông Phú phải sản xuất theo chuỗi, hiện nay tại Hà Nội có khoảng 60 chuỗi, trên cả nước đang có hàng nghìn chuỗi, tuy nhiên chuỗi này có bền vững hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi. Điều làm nên thành công của chuỗi xuất phát từ tâm của người sản xuất kinh doanh.

Ông Phú nêu ví dụ, thuốc sâu phun cho rau chưa đến 15 ngày đã cắt thì rất nguy hiểm. Chỉ vì thấy ngoài chợ “được giá” vội vã cắt đem bán dù chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng lại vẫn lọt qua cửa truy xuất nguồn gốc. Về vấn đề này, ông Phú đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần làm nghiêm để phân biệt người sản xuất kinh doanh chân chính và người kinh doanh gian dối, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. 

“Đây là vấn đề rất nhức nhối, ngay tại Hà Nội chỉ có 1,5% rau an toàn vào siêu thị. Từ đây dẫn đến rau sạch – rau bẩn lẫn lộn, rau sạch có thể bán bằng giá rau bẩn”, ông Phú bức xúc.

Ông Phú đánh giá vai trò quản lý nhà nước trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây được ví như “nhạc trưởng” chỉ huy thị trường nông sản. “Đừng để xảy ra hiện tượng khoai tây Trung Quốc bôi thêm bùn để đội lốt khoai tây Đà Lạt”, ông Phú cảnh báo.

Hiện nay người tiêu dùng đang bị dẫn dắt vào một “ma trận hàng hóa”, đã lạc vào đây thì gần như không có đường thoát và cũng không biết thoát ra như thế nào. Siêu thị có thể tạo niềm tin nhưng cũng chỉ đạt khoảng 90%, vì nếu nhà cung cấp thông đồng với quản lý siêu thị đưa hàng “dởm” vào đây thì người tiêu dùng cũng rất khó phát hiện. 

"Ổi, khoai tây… chất hàng đống, kẹo thì bán vo hàng vài chục kg mà không biết còn hạn sử dụng hay không”, ông Phú thẳng thắn.

Ông Phú cho rằng, nếu người quản lý không sâu sát thì sơ sẩy ngay, vì rất dễ xảy ra hiện tượng thông đồng để đưa hàng chất lượng kém vào siêu thị. Bên cạnh đó còn có hiện tượng khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thì lập tức giá bị “đẩy lên”. Đây là câu chuyện đạo đức về giá, một kg rau khoai lang hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP lên tới 30.000 đồng/kg thì người lao động làm sao dám mua. Ngoài chợ cóc chỉ 3.000 đồng, nhưng “đội lốt” rau sạch thì lập tức tăng giá một cách “kinh hoàng”.

Làm theo trọng điểm

Như vậy, ngoài đạo đức về chất lượng còn có cả đạo đức về giá. Ăn một mớ rau khoai lang bằng ba lạng thịt thì người tiêu dùng chắc phải đứng nghĩ rất lâu mới dám đưa ra quyết định mua hay không. Ông Phú khẳng định, người tiêu dùng đang bị “móc túi” cả chất lượng và giá. “Rau khoai lang sạch đến đâu cũng chỉ 10.000 đồng/kg là hợp lý, không thể chấp nhận giá “trên trời” 30.000 đồng”, ông Phú cho biết.

Ông Phú chia sẻ, ranh giới giữa nhà buôn chân chính và gian thương rất mỏng manh. Thậm chí còn có hiện tượng hải quan, biên phòng “mắt nhắm, mắt mở” cho hàng lậu tuồn qua. Ông đưa thêm câu chuyện một nhân viên hải quan nghỉ phép một tuần, vợ ở nhà đếm phong bì được 651 triệu đồng, và nhân viên này đã bị bắt cách đây 2 năm.

“Một khi vẫn còn vấn nạn ngay bên trong các cơ quan quản lý thì hàng truy xuất nguồn gốc sẽ không bao giờ sạch và minh bạch”, ông Phú nói.

Từ những vấn đề còn tồn tại trong truy xuất nguồn gốc hiện nay, ông Phú góp ý thêm một số điểm từ đề án này.

Thứ nhất, Đề án cần làm theo trọng điểm, những mặt hàng nào người dân thường xuyên sử dụng thì làm trước. Ví dụ, thịt lợn, rau, hoa quả… phải làm trước. Không “giải mành mành”, lúc chạy theo mắm tôm, khi đuổi giá đỗ, chưa xong lại chuyển sang thịt bò khô. Phải giải quyết câu chuyện truy xuất từ gốc để người sản xuất không dám làm, còn đã làm mà đi truy xuất cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thứ hai, tập trung nhân lực và tài chính tốt nhất cho đề án.

Thứ ba, thiết lập chuỗi. Ví dụ, chuỗi lợn, chuỗi rau muống, chuỗi ổi…

Thứ tư, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho người sản xuất, nếu cần có thể luật hóa lợi nhuận các khâu, đặc biệt với khâu sản xuất để họ yên tâm làm ra những sản phẩm sạch.

Thứ năm, nhân rộng những mô hình kinh doanh đúng đắn, xử lý nghiêm những người vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Truy xuất nguồn gốc hàng hoá: Cần bỏ cách làm “lúc chạy theo mắm tôm, khi đuổi giá đỗ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO