Truyền hình AVG trở lại, có lợi hại?

Diendandoanhnghiep.vn Với việc quay trở lại thị trường truyền hình trả tiền sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, AVG được kì vọng sẽ khiến thị trường này sôi động trở lại trong thời gian tới.

Sau một thời gian vắng bóng trên thị trường truyền hình trả tiền, AVG bất ngờ quay trở lại và tung hàng loạt gói kênh mới.

Trở lại mang tham vọng lớn

Ngày12/3/2020, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu - AVG chính thức quay lại thị trường và ra mắt các gói kênh truyền hình trả tiền mới, với cước phí chỉ từ 30.000 đồng/tháng.

Điểm nổi bật của các gói kênh mới là khách hàng được thêm các kênh đang “hot” trên thị trường, đồng thời danh sách kênh cũng được sắp xếp theo các nhóm nội dung giúp khán giả tiện theo dõi và thưởng thức.

Truyền hình AVG bất ngờ trở lại, tung hàng loạt gói kênh mới giá cước từ 30.000 đồng/tháng

Truyền hình AVG bất ngờ trở lại, tung hàng loạt gói kênh mới giá cước từ 30.000 đồng/tháng.

AVG khẳng định việc ra mắt các gói kênh mới phong phú hơn nhưng giá cước không đổi, AVG tiếp tục là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có mức cước cạnh tranh nhất trên thị trường.

Các gói kênh mới của AVG tập trung vào thị hiếu người xem mọi độ tuổi với đa dạng thể loại phim - giải trí - thể thao - tin tức - thiếu nhi - khoa giáo…

Theo đó, truyền hình số mặt đất khách hàng xem được từ 90 - 110 kênh tùy khu vực, truyền hình số vệ tinh khách xem được đến hơn 150 kênh.

Một số kênh mới nổi bật được cập nhật trong lần ra mắt này như: Travel & Living - kênh truyền hình chuyên về du lịch, ẩm thực và văn hóa cuộc sống.

WarnerTV - kênh chuyên phát sóng những bộ phim của hãng WarnerBros - một trong 5 nhà sản xuất phim lớn nhất Hollywood. Cùng với hàng loạt kênh phim truyện hàng đầu như: HBO, Fox Movies, Max by HBO, Red by HBO, Cinemaworld, D Dramas, Phim Việt ….

Chùm kênh của BBC - hãng truyền hình hàng đầu thế giới cũng được chờ đón, với nội dung đa dạng nhiều thể loại như: Tin tức - BBC World News, Khoa giáo - BBC Earth, Giải trí - BBC Life Style, Thiếu nhi - Cbeebees …

Bên cạnh đó, các kênh truyền hình giải trí, tin tức trong nước như HTV2, THVL1, HTVC Ca nhạc, Thuần Việt, VTV7, FBNC … cũng được AVG bổ sung vào các gói kênh mới lần này.

Ngoài ra, các kênh AFN, Outdoor, DaVincy, History, Channel V và VTC9, VTVCab15, BTV2, BTV6, BTV11 có lượng người xem thấp, nay được thay thế bằng các kênh khác nhằm tăng trải nghiệm và đa dạng nội dung kênh.

Gói kênh cao cấp nhất được giới thiệu lên tới hơn 150 kênh với 34 kênh HD được nhiều người yêu thích như: HBO, FOX Movies, AXN, National Geographic, FOX Sports HD, WarnerTV, HTV2, THVL1, Thuần Việt….

Với việc quay trở lại thị trường truyền hình trả tiền sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, AVG được kì vọng sẽ khiến thị trường này sôi động trở lại trong thời gian tới.

Lịch sử lận đận

Truyền hình An Viên là hệ thống truyền hình trả tiền do Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) cung cấp. Tháng 9/2010, AVG đã có một buổi tiệc ra mắt. Tại đó, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG, cho biết vốn pháp định của AVG là 1.400 tỷ đồng từ 6 cổ đông chính, sau tăng thành 1.800 tỷ đồng.

Trải qua 8 năm, kênh truyền hình An Viên có số phận khá long đong với nhiều lần đổi tên. Cụ thể, năm 2011, AVG được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình từ ngày 11/11/2011 với thương hiệu truyền hình An Viên.

Đến tháng 1/2016, Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG và 4 tháng sau đó đổi tên truyền hình An Viên thành MobiTV.

Báo cáo tài chính của Mobifone xác nhận đơn vị này đã chi 8.890 tỷ đồng để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu, tương đương 95% cổ phần của AVG với mức giá mua đạt xấp xỉ 25.800 đồng/cổ phần. Thương vụ này hoàn tất giao dịch vào ngày 2/1/2016.

Vào cuối năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sai phạm sau thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG và thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/12/2018, Mobifone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của Mobifone tại AVG. Như vậy, Mobifone đã hoàn toàn chấm dứt dự án mua 95% cổ phần AVG. AVG sau đó cũng hoàn thành việc chuyển trả toàn bộ số tiền của hợp đồng mua bán cho Mobifone.

Sau khi nhận trở lại dịch vụ truyền hình MobiTV, AVG có khoảng gần 1 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, AVG đang cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình địa phương và một số kênh xã hội hóa trên hai hệ thống truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh.

Từ 1/1/2019, AVG được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép sử dụng 4 kênh tần số mới là 42, 43, 44, 45 để cung cấp dịch vụ truyền hình và truyền dẫn phát sóng.

9/2019, MobiTV phát đi thông báo: "Hệ thống truyền hình VivaTV sẽ thay thế cho MobiTV".

Thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG là một trong những vụ mua bán gây chú ý đặc biệt trong thời gian dài.

Đã có 3 cán bộ chủ chốt của Mobifone bị khởi tố và bắt tạm giam do liên quan đến thương vụ mua AVG gồm: ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone; ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone và bà Phạm Thị Phương Anh, cựu Phó tổng giám đốc Mobifone.

Bộ Công an cũng đã khởi tố và bắt tạm giam 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội “Nhận hối lộ”. Trong đó, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận 3 triệu USD còn ông Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD từ ông Phạm Nhật Vũ.

Ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, cũng bị khởi tố để điều tra tội “Đưa hối lộ”.

Ngoài ra còn 2 bị can khác bị khởi tố để điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” là Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX.

Cuộc trở lại không dễ dàng

Trong báo cáo Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, doanh thu truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt mức 8.300 tỷ đồng, tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước (8.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù thuê bao truyền hình trả tiền liên tục tăng và thị trường cạnh tranh rất mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2019 vẫn thấp hơn thời điểm năm 2015, khi năm 2015 chạm mốc 9.900 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, khó khăn đối với lĩnh vực truyền hình trong năm qua là việc giá mặt bằng truyền hình trả tiền hiện đang rất thấp, ARPU (doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao) chỉ khoảng hơn 40.000 đồng/thuê bao/tháng (khoảng gần 2 USD/thuê bao/tháng). Trong khi ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng.

Báo cáo Bộ TT&TT khẳng định, điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường truyền hình trả tiền, trong khi cơ quan quản lý không can thiệp được vì đây là loại hình dịch vụ không do nhà nước quản lý giá.

Đánh giá về tình trạng này, lãnh đạo một đơn vị truyền hình trong nước cũng cho rằng thị trường đang rất cạnh tranh và ngày càng khó khăn hơn vì tình trạng thuê bao tăng, doanh thu lại giảm, trong khi phần lớn kinh phí sử dụng để mua bản quyền nội dung, chỉ còn lại rất ít kinh phí để tự sản xuất.

Thậm chí, đại diện một ứng dụng OTT cho biết còn đang phải chấp nhận lỗ để thu hút người dùng, vì tiềm năng của thị trường này là rất lớn.

Một trở ngại nữa với các kênh truyền hình trả tiền là giá bản quyền truyền hình quốc tế tiếp tục tăng cao khiến nhiều nhà đài phải từ bỏ cuộc chơi, không những không tăng thêm nội dung hấp dẫn thu hút thuê bao, mà còn khiến thuê bao rời bỏ nhà đài, khiến doanh thu sụt giảm. 

Nếu không mua bản quyền truyền hình, khách hàng sẽ rời bỏ, nhưng bỏ số tiền lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì vẫn lỗ. Điển hình là câu chuyện của K+, dù có trong tay bản quyền Ngoại hạng Anh 6 năm liên tiếp, từ 2013 - 2018, nhưng đến nay, K+ vẫn lỗ lũy kế tới hơn 3.070 tỷ đồng. Còn VTV cũng cho biết, tất cả các giải như EURO, World Cup mà VTV mua bản quyền đều lỗ nặng.

Theo ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh VTC3 (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC), việc mua bản quyền với giá cao đem đến nhiều rủi ro. Bỏ một số tiền lớn ra mua bản quyền không đồng nghĩa với việc bán được nhiều thuê bao. Nếu mua độc quyền thì càng tai hại, bởi có bao nhiêu tiền đều ném hết cho bên nắm bản quyền.

Có thể thấy, khó khăn chồng chất, nhiều kênh truyền hình trả tiền đã gồng mình chịu lỗ để giành thị phần. Liệu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy, truyền hình AVG trở lại có lợi hại?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Truyền hình AVG trở lại, có lợi hại? tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713435374 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713435374 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10