TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, doanh nghiệp đang bị trói chân bởi những rào cản bên trong nên khó có thể hội nhập.
Sáng nay (17/10) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”.
Quan trọng hơn cả là rào cản bên trong
Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt các FTA, trong đó có đến hơn 13 FTA thế hệ mới. Điều chắc chắn, các Hiệp định Thương mại tự do, trong đó mới nhất là EVFTA, khi được thực hiện sẽ mở ra thị trường, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư - kinh doanh thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận về cơ hội của doanh nghiệp Việt trong tiến trình hội nhập TS Nguyễn Đình Cung lại cho rằng doanh nghiệp Việt khó tận dụng cơ hội do những rào cản đến từ… bên trong.
“Doanh nghiệp đang bị trói ở chỗ không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, khó tiếp cận được nguồn lực. Thêm vào đó, nguyên nhân quan trọng nữa là do pháp luật Việt Nam đang thiếu ổn định nên ta có ở mức độ nào đó quyền tự do kinh doanh nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện”, ông Cung nói.
Chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng này, ông Cung cho rằng nguyên nhân đầu tiên đến từ hệ thống pháp luật của chúng ta.
“Đầu tiên là hệ thống luật của ta. Nhiều khi một Luật nhưng có tới hàng chục Nghị định và hàng trăm thông tư hướng dẫn. Đó là chưa kể đến những văn bản điều hành xin - cho hàng ngày. Tôi biết có những cơ quan mỗi năm ban hành từ 3.500 – 4.000 văn bản chỉ đạo xin - cho hàng ngày. Đấy mới chỉ là 1 cơ quan, còn các Bộ, Cơ quan tỉnh thành, các Sở cũng như thế.
Vấn đề này đồng nghĩa với việc chúng ta đang điều hành hằng ngày bằng hành chính như thế, như vậy luật pháp của chúng ta thực hiện bằng hành chính và thực thi theo chiều dọc chứ không thực thi theo chiều ngang bởi thị trường hóa. Điều này dẫn đến tình trạng luật không đổi nhưng đến nghị định thì có thể đổi hay như việc nghị định không đổi nhưng thông tư có thể đổi”, ông Cung nói.
Những vấn đề này, khi kết hợp với hệ thống thanh tra, kiểm tra thì có thể dẫn đến tình trạng kiểm tra thế nào cũng sai, điều này dẫn đến việc bất ổn, những rủi ro trong kinh doanh.
“Nhưng, đây lại là vấn đề mà tôi đã nói cách đây hơn 20 năm rồi, chỉ khác là bây giờ nó gắn thêm cụm từ “hội nhập”, ông Cung nhấn mạnh.
Cần cách tiếp cận đơn giản hơn
Về giải pháp làm thế nào để doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội mà hội nhập mang lại, ông Cung cho rằng chúng ta cần một cách tiếp cận đơn giản hơn, dễ dàng hơn trong mọi vấn đề.
“Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều những giải pháp để doanh nghiệp hội nhập thành công. Có rất nhiều rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật, nhiều luật được sửa với nhiều lý do… nhưng tôi cho rằng tất cả các trọng tâm sửa đổi chỉ nên tập cho việc trả lời hai câu hỏi sau: Vấn đề này có cần phải giải quyết không? Nếu cần thì giải quyết như thế nào? Câu trả lời nếu là có thì phải giải quyết một cách triệt để, gỡ rào cho doanh nghiệp phát triển”, ông Cung nói.
Cụ thể hơn về vấn đề sửa đổi chính sách, pháp luật để có thể đáp ứng với yêu cầu của hội nhập, ông Cung cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ tập trung vào sửa ngọn, nên về căn bản không giải quyết được vấn đề.
“Chúng ta đang có nhiều chồng chéo và mâu thuẫn nhau trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là trong các luật chuyên ngành như: Luật đất đai, môi trường, đầu tư, nhà ở, bất động sản… Nhưng vấn đề ở chỗ, lâu nay gần như chưa có cải cách nào trong lĩnh vực này nên dù đã có hàng chục rà soát về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này thì hôm nay mọi thứ vẫn quay lại như ngày đầu tiên.
Do đó, hôm nay, nếu phải sửa, chúng ta phải sửa tận gốc mọi vấn đề, phải cắt bỏ toàn bộ những rào cản, những điều kiện kinh doanh đang hàng ngày, hàng giờ trói chân doanh nghiệp”, ông Cung nói.