Chuyên gia nhấn mạnh, lấy tiền của doanh nghiệp và lao động gửi ngân hàng là có tội, công đoàn nên chấm dứt hoạt động cho vay, chi nhiều hơn cho hoạt động chăm lo đối với người lao động.
Tại báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng thu tài chính công đoàn (năm 2019) là hơn 20.200 tỉ đồng (đóng góp lớn nhất là khối sản xuất kinh doanh với gần 12.400 tỉ đồng, chiếm 69%), tổng chi là hơn 14.500 tỉ đồng, kết dư khoảng 5.800 tỉ đồng, bằng 23% tổng thu.
Kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động còn thấp (chiếm 46%) so với tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng các cấp trong năm. Tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chủ yếu tập trung ở cấp công đoàn cơ sở (97% kinh phí để lại của công đoàn cơ sở).
Trong khi đó, càng ở các công đoàn cấp trên, tỷ lệ chi/tổng kinh phí để lại càng thấp. Cụ thể, tại cấp công đoàn cơ sở, tỷ lệ này là 99,1% thì công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%; cấp Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành là 45,4%; và tại Tổng liên đoàn Lao động chỉ có 8,3%.
Theo Kiểm toán nhà nước, điều này xảy ra bất cập là trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động, thì các cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; Tổng liên đoàn Lao động lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi nagan hàng có kỳ hạn, đầu tư , cho vay...
Được biết, đến cuối năm 2019, số tài chính công đoàn tích lũy là hơn 28.950 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% toàn ngành).
Quy định về kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn năm 2020: Doanh nghiệp được sử dụng 70% tổng số thu phí công đoàn (tăng 1% so với năm 2019). Công đoàn cấp trên được sử dụng 30% sổng số thu phí công đàon (giảm 1% so với năm 2019). Còn đoàn phí công đoàn, công đoàn cơ ở được sử dụng 60% và 40% đoàn phí nộp lên trên.
Trao đổi quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh, kết quả của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 cho thấy, tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động mới chỉ chiếm 46% tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng trong năm là quá thấp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, tỷ lệ kinh phí công đoàn nộp lên trên 30% là quá cao, cần phải sửa đổi, giảm xuống càng nhiều càng tốt.
“Ở cơ sở phải để lại kinh phí từ 85-90%, còn nộp lên trên khoảng 10-15%. Cái chính là tiền đóng góp để phục vụ cho hoạt động ở dưới. Còn đoàn phí công đoàn cũng nên để tỷ lệ 80% ở dưới và 20% nộp lên trên thì các hoạt động ở cấp cơ sở mới mạnh được. Công đoàn cấp trên chỉ nên lấy một phần kinh phí, còn một phần phải tự chủ hoạt động để sinh lời lãi lấy tiền nuôi bộ máy. Nếu lấy kinh phí chủ yếu ở cấp cơ sở để nuôi cấp trên thì làm sao công đoàn cấp dưới có tiền hoạt động được?”, ông Huân nêu quan điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh, cần chấm dứt cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn, do hoạt động này gây thất thoát kinh phí và không đúng quy định của Kiểm toán Nhà nước.
“Lấy tiền của doanh nghiệp và lao động gửi ngân hàng là có tội, công đoàn nên chấm dứt hoạt động cho vay, chi nhiều hơn cho hoạt động chăm lo đối với người lao động. Đáng lý, kể cả gửi ngân hàng, anh chi tiêu không hết, thì phải lấy tiền lãi, tiền nhàn rỗi quay lại cổ vũ cho các hoạt động phong trào ở dưới, chứ không thể lấy lãi đó tích gộp làm nguồn tích lũy”, ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Trên thực tế, tại nhiều cuộc họp bàn về chính sách tiền lương, các hiệp hội như thuỷ sản, da giày đều cho biết đang rất khó khăn, năm 2019 vừa tăng lương lương tối thiểu, vừa tăng phí công đoàn lên 2%. Sang năm 2020 lại gặp dịch COVID-19 doanh nghiệp vừa phải gồngg mình duy trì sản xuất kinh doanh, vừa phải chăm lo cho người lao động.
Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đều tha thiết kiến nghị xin miễn đóng phí công đoàn 2% vì đây là chi phí rất nặng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Lâu nay chúng tôi vẫn kiến nghị thu phí công đoàn 2% là quá cao so với khả năng đóng góp của doanh nghiệp. Năm nay, doanh nghiệp vừa phải gồng mình sản xuất, trả lương, chăm lo cho người lao động. Chúng tôi tiếp tục tiếp tục đề nghị xem xét lại mức này. Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc, chúng tôi mong muốn năm nay doanh nghiệp được miễn thu phí công đoàn, khoan sức dân để doanh nghiệp có thể vực dậy sau dịch bệnh. Các doanh nghiệp sẽ chủ động tự chi, chăm lo cho người lao động”, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
11:38, 08/09/2020
11:00, 28/04/2020