Sáng nay (19/12) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia.
“Kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, quan niệm và giá trị phát triển đang thay đổi. Trước đây, chúng ta nói đến phát triển là nói đến tăng trưởng, nói đến kinh doanh là nói đến lợi nhuận nhưng giờ đây những quan niệm này đã thay đổi, chúng ta vẫn nói đến phát triển nhưng phát triển phải gắn liền với bền vững. Chúng ta vẫn nói đến kinh doanh nhưng phải là kinh doanh có trách nhiệm”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tại, Liên Hợp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng là mục tiêu quan trọng nhất. Theo TS Vũ Tiến Lộc nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn bao trùm hơn. Đây là cơ hội lớn cho phụ nữ.
“Phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế mới của các quốc gia. Nó bao hàm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu “Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”, tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
04:36, 26/11/2019
14:34, 06/11/2019
04:25, 21/10/2019
Theo Báo cáo Khoảng cách Thế giới Toàn cầu 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 12/2017 Việt Nam đứng thứ 77 trong tổng số 149 quốc gia và vũng lãnh thổ được đánh giá, giảm 8 bậc so với năm 2017. Xét ở khía cạnh cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chỉ số về lãnh đạo phụ nữ đứng ở vị trí 94/149 với điểm số 0,374/1,0.
“Điều này cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được ghi nhận có đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế và xã hội, tuy nhiên họ vẫn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn trong kinh doanh và định kiến xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ chính là động lực cho sự phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, phát huy sức sáng tạo thế mạnh, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng doanh nghiệp. Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nâng cao vị thế lãnh đạo cho nữ giới và bình đẳng giới được coi là một trong những cách thức nâng cao năng suất xã hội, hướng tới nền kinh tế ổn định hơn và khởi sự kinh doanh là con đường chính để thúc đẩy và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ do VCCI thực hiện là bức tranh về môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ làm chủ từ cuộc điều tra doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đây có thể xem là một tronh những báo cáo đầu tiên đưa ra đánh giá về môi trường kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, dựa trên việc khai thác và phân tích dữ liệu khảo sát trên 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. |