Thay vì phải mất 3 – 4 tháng xin phép, đến nay, các sản phẩm nông sản Việt Nam có thể được giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa (SGDHH) mà không cần xin phép.
Đó là một trong những nội dung tại Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, ngày 9/4/2018 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH.
Việc sử dụng hình thức kinh doanh theo hướng các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa trên sàn giao dịch, với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai, kinh doanh qua SGDHH được kỳ vọng sẽ giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, năm 2006, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán qua SGDHH. Thời điểm đó, Nghị định này được đánh giá là bao phủ tương đối hoàn chỉnh việc giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, văn bản này đã bộc lộ hạn chế như chưa có quy định về mua bán hàng hóa qua SGDHH tại nước ngoài khiến doanh nghiệp người dân vẫn phải xuất khẩu qua trung gian, gây đội chi phí, thậm chí rơi vào cảnh bị ép giá.
Trong bối cảnh đó, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP do Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ ban hành để sửa đổi, thay thế Nghị định 158 được đánh giá là bước ngoặt, sửa đổi kịp thời và mang lại những thay đổi căn bản cho việc giao dịch hàng hóa. Đơn cử, theo những quy định cũ, trước đây, những mặt hàng nông sản có thế mạnh của nước ta như cà phê, hồ tiêu không được liên doanh với SGDHH nước ngoài thì chỉ có thể giao dịch ở sàn trong nước.
Nay, với quy định cho phép các SGDHH trong nước liên kết với SGDHH nước ngoài; cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các SGDHH Việt Nam, Nghị định này sẽ giúp nông dân hay các sản xuất, chế biến cà phê được giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giảm chi phí trung gian, nâng cao lợi nhuận. Việc nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng giúp người nông dân chủ động sản xuất, tránh tình trạng được mùa mất giá. Đặc biệt, việc giao dịch qua SGDHH cũng giúp người nông dân quen với các phương thức thương mại hiện đại, nâng cao năng lực sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Đặc biệt, Nghị định 51/2018/NĐ-CP là thủ tục hành chính được giảm tối đa, xóa bỏ cơ chế xin cho. Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu ví dụ, trước đây mặt hàng cà phê, bông, thép mỗi lần lên giao dịch tại SGDHH phải xin phép Bộ Công Thương. Sau khi Bộ Công Thương họp, có mặt hàng phải mất 3-4 tháng mới được cấp phép giao dịch. Tuy nhiên, Nghị định 51 đã giảm thiểu hết toàn bộ khi quy định những mặt hàng Nhà nước không cấm và không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được kinh doanh, không cần xin phép.
Trước những thay đổi lớn này, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đánh giá: “Nghị định số 51/2018/NĐ-CP mang lại những thay đổi căn bản, mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành cà phê thời gian tới”.
Còn đại diện cho Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, bông chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sợi và hiện nước ta đang phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài. Do đó nếu theo dõi không tốt, bông bị đội giá, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi lớn. Việc có một SGDHH uy tín và đủ mạnh, nắm được rõ ràng biên độ giá, doanh nghiệp sẽ có phương thức kinh doanh an toàn, giảm thiểu rủi ro, tránh bị thua lỗ.