Từ 1/7/2019, Techcombank đã chính thức được NHNN trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.
Đây là một tin vui đối với Techcombank vào thời điểm ngân hàng tiếp tục ghi nhận chuỗi tăng trưởng doanh thu trong 14 quý liên tiếp, với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) luôn giữ ở mức cao khoảng 14%.
Theo quyết định, Techcombank có trách nhiệm vận hành chính thức hệ thống tính tỷ lệ an toàn vốn chậm nhất ngày 22/6/2019; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ theo cam kết tại công văn số 5040/2019/TGĐ-TCB ngày 4/6/2019.
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Basel II là đảm bảo tỷ lệ CAR ít nhất là 8%. Tại thời điểm cuối quý 1/2019, tỷ lệ CAR của Techcombank (theo Thông tư 36) đạt mức 13,8%, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý 1/2019 đạt mức kỷ lục tương ứng là 4,2 nghìn tỷ đồng và 2,6 nghìn tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 29/05/2019
15:59, 22/05/2019
15:55, 20/05/2019
09:18, 16/04/2019
08:20, 02/04/2019
Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ: “Sự ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước là tin vui nối tiếp những thành công mà Techcombank đã đạt trong 14 quý vừa qua. Với phê chuẩn của NHNN, ngân hàng sẽ được quyền tự quản lý dư nợ trên hệ số an toàn vốn, và điều này sẽ hỗ trợ Techcombank tiếp tục có thể giữ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức không thấp hơn các năm trước.
Hiện tại, tỷ lệ CAR của Techcombank rất cao so với trong nước và khu vực, ở mức khoảng 14%, trong khi các chỉ số sinh lời như ROE và ROE đạt mức cao trong khu vực. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của Techcombank.
Techcombank luôn chủ động tuân thủ áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tín dụng và tập trung vào quản trị các rủi ro vận hành cho hệ thống, đảm bảo ngân hàng phát triển bền vững, minh bạch trong thời gian qua.
Đặc biệt, Techcombank đã là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai và áp dụng thành công IFRS9 kể từ ngày 1/1/2018, trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng tại thị trường Việt Nam đang quản trị theo số liệu chuẩn mực kế toán Việt Nam, và mới đây Bộ Tài chính đã công bố dự thảo đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam với đề xuất lộ trình áp dụng IFRS bắt đầu từ năm 2022. IFRS9 (và trước đây là IAS39) là chuẩn mực quy định toàn bộ các nguyên tắc ghi nhận và đo lường đối với các công cụ tài chính.
Đối với hệ thống ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng, đây là chuẩn mực xương sống, có ảnh hưởng trọng yếu tới số liệu tài chính vì khoảng 80% bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được cân đối bởi các công cụ tài chính. Trước đó, Techcombank bắt đầu lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế kể từ năm 2009, theo đó niềm tin từ các đối tác nước ngoài, các tổ chức xếp hạng quốc tế, các nhà đầu tư ngoại vào tình hình tài chính của Techcombank đã được củng cố đáng kể.
Ngoài những chỉ số kết quả kinh doanh vượt trội, kết thúc quý 1/2019, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank nằm ở mức 1,8% phản ánh sự tập trung mạnh mẽ của Techcombank vào quản trị rủi ro, giúp Ngân hàng giảm 80% chi phí dự phòng so với quý 1/2018.
“Chúng tôi rất tự hào về kết quả kinh doanh bền vững được đem lại từ chiến lược khách hàng là trọng tâm của mình. Techcombank sẽ tiếp tục tăng cường danh mục tín dụng của mình, để từ đó có thể phục vụ khách hàng qua các chu kỳ kinh doanh của thị trường và mang lại giá trị dài hạn cho cổ đông và các khách hàng”, Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ thêm.