Mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ, hoàn cảnh khó khăn đến mức rơi vào bế tắc. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, cô đã trở thành một nữ “tỷ phú” trẻ.
Người chúng tôi nhắc đến là Bùi Thị Tố Uyên Phương, cán bộ Thành Đoàn TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Được lãnh đạo Thành Đoàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) giới thiệu, chúng tôi đến thăm chuỗi hệ thống sản xuất, kinh doanh bánh mang tên Ba Con Gấu ở trung tâm Thủ Dầu Một. Nhìn vào cơ ngơi và sự nổi tiếng của thương hiệu bánh Ba Con Gấu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hẳn sẽ khiến người ta bất ngờ về tuổi đời và xuất thân của “bà” chủ.
Chủ nhân của thương hiệu bánh mà chúng tôi gặp gỡ, giao lưu là chị Bùi Thị Tố Uyên Phương (SN 1991, ngụ Bình Dương). Cô được người dân và bạn bè đặt cho một cái tên khác là nữ “tỷ phú” 9X. Và, người ta còn khâm phục Uyên Phương hơn khi cô không phải xuất thân từ một gia đình giàu có mà ngược lại hoàn cảnh gia đình cô rất khó khăn.
Uyên Phương tâm sự, lúc còn nhỏ chưa biết gì thì mẹ mất sớm. Trong khi đó, vì cuộc sống nên cha không dành thời gian cho cô nhiều. Lúc bấy giờ, gia đình Phương khó khăn đến mức tằn tiện hết cỡ mới đủ sống qua ngày. Dù vậy, với hỗ trợ của người thân và nỗ lực bản thân giúp cô học hành đến nơi đến chốn.
“Khi tôi đang học đại học ở TPHCM, đã nghĩ đến việc sau khi ra trường sẽ kinh doanh tiệm bánh, một loại thức ăn tôi xem là xa xỉ thời đi học. Sau khi ra trường, về quê nhưng không có gì trong tay ngoài ý chí vươn lên. Lúc đó, tôi mượn được bạn bè ít tiền mua cái máy đánh trứng nhỏ, một tủ kính (loại dùng để bán bánh mì ven đường) để tự kinh doanh”, Phương nói.
Vào năm 2014 sau khi tự tìm tòi, học hỏi cách làm các kiểu bánh, cô đã làm và thực hiện bán hàng online. Cô thuê mặt bằng chỉ rộng 2,5m2 để bán bánh nhưng vắng khách, không đủ tiền thuê. Nhiều lúc Phương thấy bế tắc, muốn từ bỏ đam mê. Thế nhưng, trời không phụ người. Tiệm bánh của Phương trở nên “cháy hàng” thường xuyên cả ngày, lẫn đêm sau đó.Uyên Phương chia sẻ: “Một lần lên TPHCM vô tình phát hiện một món bánh thịnh hành, trở thành trào lưu đó là bánh mì phô mai. Ngay lập tức, tôi về Bình Dương chế biến bánh mì phô mai, loại bánh đầu tiên xuất hiện trên địa bàn. Bất ngờ, chỉ vài ngày sau khi bánh mì phô mai ra đời ở TP Thủ Dầu Một, người dân đến mua với số lượng rất lớn. Những lúc trời mưa, khách vẫn xếp hàng chờ lượt mua. Khách mua từ sáng đến tối, nhiều đến mức sản xuất thủ công không kịp”.
Năm 2017, sau khi lập gia đình và sinh con, Uyên Phương đã thuê mặt bằng khác lớn hơn để kinh doanh nhiều món bánh phục vụ khách hàng theo nhu cầu. Từ một món bánh mì nổi tiếng mang thương hiệu của mình, Uyên Phương học hỏi và sản xuất ra rất nhiều loại bánh khác nhau như: Bánh kem (hàng trăm kiểu mẫu theo yêu cầu); Bánh mì các loại; Bánh nướng; Bánh ngọt Âu, Á…
Có đủ lượng khách ổn định nhưng Phương chưa bằng lòng với thực tại. Từ đó, nữ 9X biến suy nghĩ thành hiện thực với một mô hình ăn, uống mang phong cách hiện đại mà ở Bình Dương chưa từng xuất hiện. Cô đầu tư mở quán theo mô hình hỗn hợp cà phê, trà, bánh. Để thực hiện hình thức kinh doanh này, Phương phải trả tiền thuê mặt bằng hơn 200 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Phương phải trả tiền lương cho 30 nhân viên và các khoản khác mà theo cô nếu mỗi tháng không thu được 500 triệu đồng thì khó tồn tại.
Chia sẻ với chúng tôi, Uyên Phương nói rằng, cuộc đời mình lắm gian truân, vất vả, thậm chí có những lúc bế tắc. Thế nhưng, cô vượt qua được sóng gió cuộc đời chính là nhờ ý chí của một cán bộ Đoàn. Phương cho biết, thời còn học PTTH cho đến sau này, cô là cán bộ Đoàn sinh hoạt tại Thành Đoàn TP Thủ Dầu Một. Những buổi sinh hoạt Đoàn, công tác làm từ thiện… giúp cô quên hết những ưu tư để làm điều ý nghĩa cho chính bản thân và cộng đồng.
“Hôm nay, khi ngồi đây dù không hơn ai nhưng để có được như bây giờ, tôi khẳng định đó là nhờ nghị lực của một người làm công tác Đoàn. Từ cuộc sống gia đình đến kinh doanh, có những lúc tôi muốn buông xuôi, gục ngã. Nhưng, cứ nghĩ đến vai trò của mình là cán bộ Đoàn phải làm gương, phải mạnh mẽ vượt qua… tinh thần lại hứng khởi để bắt đầu lại. Cứ mỗi lần cảm thấy buồn bực, tôi lại nghĩ về những hoàn cảnh khó khăn mà cán bộ Đoàn chúng tôi đến thăm. Cứ như thế, tôi tự trấn an và vượt qua tất cả” - Phương nhớ lại và theo cô, công tác Đoàn, hội “ngấm vào máu” mình bất kể ở đâu, làm gì.
Cơ sơ kinh doanh có hơn 30 nhân viên trẻ, cô nghĩ đến việc thành lập công ty để các bạn trẻ tham gia tổ chức Đoàn nhằm sinh hoạt, giao lưu và hỗ trợ tình nguyện khi cần thiết. Đồng thời, việc các bạn trẻ tham gia công tác đoàn sẽ rất hữu ích, có thêm động lực, ý chí vượt khó vươn lên.
Phương tâm sự, cho đến nay khi hoạt động kinh doanh đi vào ổn định nhưng cô luôn phải đấu tranh tư tưởng để tồn tại. “Từ khi thuê được mặt bằng rộng lớn kinh doanh, nhiều đối thủ cạnh tranh đã bịa chuyện, dựng đứng thông tin không đúng về chất lượng sản phẩm để hạ uy tín. Ngoài ra, Phương phải chịu áp lực từ dư luận với những lời ác ý như: nó còn nhỏ tuổi mà kinh doanh lớn thế chắc có ai đứng sau chống lưng; ông chủ cho thuê đất là “cha nuôi”… Họ biết nhưng lại cố tình như không biết chuyện tôi đi lên từ hai bàn tay trắng”, Phương tâm sự.
Theo lời Phương, để thương hiệu bánh Ba Con Gấu được tồn tại, cô luôn phải suy nghĩ làm sao để sản phẩm chất lượng đảm bảo. Mỗi người có một con đường sự nghiệp riêng để theo đuổi. Dù tôi có bận rộn kinh doanh đến mức nào cũng dành thời gian tham gia đoàn, hội, vì nơi ấy đã cho tôi đủ năng lượng vượt bao giông tố cuộc đời”, Phương bày tỏ.
Phương cho biết, thời còn học PTTH cho đến sau này, cô là cán bộ Đoàn sinh hoạt tại Thành Đoàn TP Thủ Dầu Một. Những buổi sinh hoạt Đoàn, công tác làm từ thiện… giúp cô quên hết những ưu tư để làm điều ý nghĩa cho chính bản thân và cộng đồng.