Số phận các nhà doanh nghiệp năm nay khiến tôi nhớ số phận Cao Bá Quát trong năm Kỷ Hợi xưa.
Trời cho làm con rồng nhưng con rồng này còn ẩn trong lòng đất. Còn trong lòng đất, nhưng vẫn biết mình là con rồng. Vẫn biết mình có quẻ Thuần Càn: Tự cường bất tức (sức mạnh không ngừng nghỉ).
Tôi viết bài này để chúc mừng các bạn đọc của DĐDN, mong các bạn cũng có một năm Kỷ Hợi như Cao Bá Quát, người quê tôi (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nhà thơ kỳ vĩ nước ta sau Nguyễn Trãi và Nguyễn Du.
Tôi và Cao Bá Nghiệp - dòng họ Cao - đồng tác giả sách Người làng Sủi kể chuyện Cao Bá Quát (Nxb Văn hóa Văn nghệ TP.HCM 2013) dựa trên cơ sở nghiên cứu thuật toán Hà Lạc bí ẩn của phương Đông đã tìm ra một năm Kỷ Hợi tuyệt vời của Cao Bá Quát. Đấy là năm trong số mệnh, ông được quẻ Thuần Càn (còn gọi là Kiền) chủ mệnh hào 1. Thuần Càn có tượng là Trời, có nội lực rất cao, Khổng Tử ca ngợi: Trời đi rất mạnh không ngừng nghỉ. Người thức thời coi quẻ này mà noi theo, biết tự cường, làm cho mình mạnh lên bằng chính nội lực không ngừng nghỉ (Tự cường bất tức). Việc bản thân, việc nước, việc nhà đều như vậy, tốt vô cùng. Cả 6 hào đều ví như con rồng, khi còn ở dưới mặt đất, khi đã lên cánh đồng, khi muốn bay lên mà chưa gặp thời, khi bay lên mà chưa vững, khi bay lên cao rồng mây quấn quýt, khi bay lên cao quá coi chừng sa sẩy. Chủ mệnh hào 1 cũng là vận hạn của ông Cao: Như con rồng còn ẩn dưới thấp, đừng dùng làm gì vội. Ý nói hào này như con rồng còn nấp dưới vực sâu, còn lâu mới biến hóa lên mây được, còn phải đợi thời cơ. Năm nay ông Cao 31 tuổi, văn hay chữ tốt, thơ ca nổi tiếng trên văn đàn, vậy mà thời cơ chưa đến, đã 3 lần từ Hà Nội lặn lội vào kinh Huế thi hội (đi đến đâu có thơ hay ở đó) vậy mà về không. Vậy năm Kỷ Hợi con rồng còn ẩn sâu dưới đất này ra sao? Vẫn là con rồng, tuy ẩn mình vẫn mang tượng Trời. Xin trích một ít thơ, ông viết sau đây. Bài Mưa lạnh tạnh dần, đêm chợt thấy trăng, họa lại bài thơ của Phương Đình. (Phương Đình tức Nguyễn Văn Siêu, nhà thơ nổi tiếng bạn thân của Cao):
Phía Đông mây tan dần
Trăng mới như bạn cũ
Càng ngắm càng thân quen
Hốc hác mà say múa.
Đây là cảnh nhà thơ thấy mình như hòa mình vào vũ trụ.
Một hôm (năm Kỷ Hợi) đi thăm núi Vệ Linh, tức núi Sóc ở làng Gióng, tương truyền là nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời sau khi dẹp tan giặc Ân, ông Cao cảm xúc làm nhiều bài thơ, bài nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc, như bốn câu sau đây (Dịch nghĩa Hán Việt):
Giao chiến một trận đã thành công
Thần cũng về ngay đỉnh núi cao
Chỉ để lại dấu ngựa ngàn xưa
Đến nay còn truyền lại đàn tướng. (Đàn là gỗ cây hoàng đàn và bạch đàn, có hương thơm, dùng làm đồ thờ. Tướng là hình tướng). Bài Mưa tạnh lẩn vào mây mưa trên sông tả một cuộc chia tay giữa những người bạn, có những câu khái quát mệnh trời (dịch nghĩa):
Bầu trời lặng lẽ toát lên ánh sáng lạnh
Ý mưa ấp ủ nguyên khí của đất trời.
Tại sao chàng Cao quan sát thấy và tả một hiện tượng tinh tế của thiên nhiên: Mây tạnh lẩn vào mây mưa trên sông ("lẩn" chứ không phải "lẫn" dịch nghĩa chữ "tạp")? Thật là thú vị. Năm nay chàng được quẻ Thuần Càn. Càn tượng là Trời. Càn còn có tượng là Rồng. Rồng thường bay trong mây. (Ca dao, tục ngữ: Bao giờ rồng gặp mây đây. Hội rồng mây.) Năm nay cảm xúc về trời mây thật nhạy bén. Cao vừa đi thi hội lần thứ ba không thành công, còn ám ảnh về thân phận mình. Chàng bỗng ngắm mây và liên tưởng phận mình: Ta là mây tạnh màu xanh, hay là mây mưa đen đây? Hai đám mây đang lẩn mình vào nhau trên sông kia! Đan xen và hòa vào nhau. Một bức tranh của thiên nhiên hòa với bức tranh của cuộc đời. Những người bạn có số phận khác nhau sắp chia tay nhau. Chính những tứ thơ như thế này làm nên cái độc đáo của thơ Cao Bá Quát. Năm Kỷ Hợi của Cao có bài thơ tả một sáng ở trọ (Vũ Duy Thông dịch thơ):
Sáng ra trời đất vẫn mọi ngày
Ngỡ cùng thủy trúc ẩn trong mây
Ngồi lâu quên mất mình là khách
Thơm ngát hoa cau ngại gió lay.
Ở nhà trọ mà thấy như đang trong mây. Cảm giác không gian chiếm ưu thế. Mệnh đề "ngại gió lay" là từ câu dịch nghĩa: Dưới chùm hoa cau bắt đầu cảm thấy gió thừa, hương hoa cau thơm ngát khiến cho khách cảm thấy không cần đến gió nữa. Một ít thơ như trên cho ta thấy năm Kỷ Hợi của Cao như thế nào.
Tôi tặng bạn đọc DĐDN chính vì thế. Số phận các nhà doanh nghiệp năm nay khiến tôi nhớ số phận Cao trong năm Kỷ Hợi xưa. Trời cho làm con rồng nhưng con rồng này còn ẩn trong lòng đất. Còn trong lòng đất, nhưng vẫn biết mình là con rồng. Vẫn biết mình có quẻ Thuần Càn:
Tự cường bất tức (sức mạnh không ngừng nghỉ).