Chiến lược mà Steve Jobs đã áp dụng để vượt qua sự sụp đổ của bong bóng dot-com năm 2000 và khủng hoảng kinh tế năm 2008 có thể là bài học sâu sắc mà các nhà lãnh đạo ngày nay cần tham khảo.
Thế giới những ngày gần đây đang chìm trong lo lắng suy thoái vì chính sách thuế đối ứng của Mỹ và nguy cơ chiến tranh thương mại tiềm tàng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Sự bất ổn kinh tế là một thách thức lớn với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở mọi quy mô, vì chỉ một tín hiệu bất an nhẹ cũng có thể khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Steve Jobs, một thương nhân kỳ cựu, cũng từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng như vậy. Chiến lược mà ông đã áp dụng để vượt qua sự sụp đổ của bong bóng dot-com năm 2000 và khủng hoảng kinh tế năm 2008 có thể là bài học sâu sắc mà các nhà lãnh đạo ngày nay cần tham khảo.
Chia sẻ về cách ứng phó với thời kỳ suy thoái, Steve Jobs cho biết lựa chọn đầu tiên của ông không phải sa thải nhân viên, vì Apple đã nỗ lực rất nhiều để tuyển dụng họ. Thay vào đó, ông cho Apple tăng ngân sách R&D (nghiên cứu và phát triển) để có thể đi trước các đối thủ khi suy thoái kết thúc. Và chiến lược này đã phát huy tác dụng.
Năm 2003, khi nhiều công ty vẫn còn vật lộn sau sự sụp đổ của cổ phiếu công nghệ, Apple đã ra mắt thành công iTunes. Chỉ số Nasdaq-100 mất hơn 15 năm để quay lại thời kỳ đỉnh cao dot-com. Nhưng trong 15 năm ấy, Apple vang danh với iPhone và App Store.
Đến suy thoái năm 2008, Apple vẫn bán được hàng triệu chiếc điện thoại thông minh và máy tính. Không chỉ vậy, chỉ 2 năm sau đó, iPad đã được trình làng và trở thành một thành công rất lớn, cả về danh tiếng lẫn doanh thu của “Quả táo”.
Theo Harvard Business Review, chỉ có 9% doanh nghiệp có thể phát triển mạnh sau một cuộc suy thoái kinh tế. Những công ty trong số này cũng giống như Apple, chọn cách thực hiện các khoản đầu tư thông minh trong những giai đoạn khó khăn để trở thành người dẫn đầu trên thị trường.
Bây giờ, Apple lại đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng mới. Cổ phiếu Apple vừa có những ngày giao dịch khởi sắc nhờ tin Tổng Thống Donald Trump tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trên diện rộng. Tuy nhiên những ngày vui này chẳng còn kéo dài bao lâu, vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang nhen nhóm.
Việc ông Trump tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là một tin cực xấu với Apple, bởi vì các sản phẩm điện tử chủ lực của họ đều được sản xuất ở quốc gia Châu Á này. Số liệu từ Wedbush cho thấy Apple sản xuất khoảng 90% iPhone, 75-80% iPad và hơn 50% máy Mac tại Trung Quốc.
Giờ đây, nếu thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc tăng, người tiêu dùng có nguy cơ là đối tượng phải gánh chịu. Kịch bản tồi tệ nhất mà giới chuyên gia đưa ra là giá các sản phẩm mới như iPhone 16 có thể vượt quá 2.000 đô, một mức giá mà đa số người tiêu dùng khó lòng chấp nhận.
Jeff Fieldhack, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research, một chuyên gia về Apple, tin rằng thuế quan của ông Trump chỉ là chiêu bài đàm phán. Thế nhưng nếu chiến tranh thương mại kéo dài hàng tháng trời, liệu Apple có thể áp dụng triết lý “vượt bão” mà Jobs từng đưa ra và người tiêu dùng sẽ lại thấy một sản phẩm đột phá mới?