Khởi nghiệp

Tư duy “nhanh và chậm” khi khởi nghiệp

Nguyễn Chuẩn 22/05/2025 08:37

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 27% và quy mô thị trường đạt 32 tỷ USD vào năm 2024, các doanh nghiệp đứng trước cơ hội vàng để phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, họ cũng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì sự bền vững. Việc áp dụng tư duy “nhanh và chậm” – khái niệm được giới thiệu bởi nhà tâm lý học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman – có thể là chìa khóa giúp các startup cân bằng giữa tốc độ và sự ổn định.

tmdt3(1).jpg
Thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 27% và quy mô thị trường đạt 32 tỷ USD vào năm 2024.

Daniel Kahneman, trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm”, đã phân chia quá trình suy nghĩ của con người thành hai hệ thống: Hệ thống 1 (tư duy nhanh) hoạt động tự động, cảm tính và thường dựa trên trực giác; Hệ thống 2 (tư duy chậm) đòi hỏi sự chú tâm, logic và phân tích sâu sắc. Trong môi trường khởi nghiệp, việc xác định thời điểm sử dụng mỗi hệ thống tư duy là điều tối quan trọng.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, CEO của Ecom Lab, một startup chuyên cung cấp giải pháp và vận hành TMĐT, chia sẻ rằng khởi nghiệp không có “khoảnh khắc bước ngoặt” đột ngột mà là một quá trình liên tục giải quyết vấn đề. Trong năm đầu tiên, khi chưa có vốn và kinh nghiệm, ông liên tục “vấp rồi sửa”, từ việc tối ưu quy trình nhập hàng đến tái cấu trúc nguồn nhân lực. Nhờ sự linh hoạt và kiên trì, Ecom Lab dần hình thành được khung vận hành cơ bản và thấu hiểu rõ thị trường Việt.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần xác định rõ khi nào đã tìm ra công thức tăng trưởng và có đủ nguồn lực để mở rộng thì cần “chuyển sang số 2” – đẩy nhanh tốc độ. Ngược lại, khi vẫn đang thí điểm mô hình, cần dừng lại, đánh giá và chờ “thời cơ chín muồi”.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2024, tốc độ tăng trưởng năm 2024 lên tới 27% và quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến đạt 32 tỷ USD, đưa TMĐT Việt Nam vào top 3 Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là về quản trị nguồn lực và duy trì giá trị cốt lõi.

Ông Tuấn chỉ ra ba sai lầm lớn khiến các doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ rồi nhanh chóng sụp đổ:

Thứ nhất đó là sự ảo tưởng. Khi có chút thành công, các founder thường tự tin thái quá, chạy theo quá nhiều mô hình mới và đánh mất giá trị cốt lõi.

Thứ hai đó là sự phân tán nguồn lực. Điều mà các doanh nghiệp khởi đầu thường dễ mắc phải, tuyển dụng ồ ạt, lan man quá nhiều dự án, mất kiểm soát tài chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng “lướt sóng ngắn hạn”, chạy chương trình khuyến mãi cấp tốc, nhưng khi thị trường điều chỉnh, không kịp rút chân.

Để phòng tránh, Ecom Lab vẫn đang ở giai đoạn “đổ nền” – củng cố quy trình, tuyển chọn đội ngũ chủ chốt, và tối ưu chi phí vận hành. Công ty chỉ đẩy nhanh khi đã hoàn thiện KPI cốt lõi và xây dựng quỹ dự phòng khi thị trường có biến động. Ngoài ra, chủ động áp dụng KPI dài hạn để cân bằng giữa mục tiêu doanh thu và sự ổn định.

tmdt4(1).jpg
Cân bằng giữa tốc độ và bền vững trong kỷ nguyên số là bí quyết thành công cho doanh nghiệp.

Ông Tuấn cũng tin rằng con người là yếu tố tiên quyết. “Niềm vui, lòng tin, năng lượng” không tự sinh ra mà đến từ việc tuyển chọn đúng nhân sự, xây dựng môi trường chia sẻ ước mơ chung và tôn trọng cá nhân. Trước khi đặt mục tiêu số, lãnh đạo cần đi trước, nói trước: minh bạch tầm nhìn, đồng hành trong khó khăn và luôn giữ lời hứa với nhân viên.

Khi có mâu thuẫn giữa lợi nhuận ngắn hạn và giá trị lâu dài, cơ chế của doanh nghiệp cần phải dừng mọi hoạt động vi phạm giá trị cốt lõi, dù lợi nhuận trước mắt có hấp dẫn. Đồng thời triển khai họp phản biện với ban lãnh đạo để đưa ra phương án thay thế.

Nhìn chung, trong một thị trường TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, việc cân bằng giữa tốc độ và an toàn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc và hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là chìa khóa để startup không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững. Tư duy “nhanh và chậm” không chỉ là một khái niệm tâm lý học mà còn là một chiến lược kinh doanh thiết thực, giúp các doanh nghiệp định hình con đường phát triển phù hợp với thực tế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tư duy “nhanh và chậm” khi khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO