Câu chuyện hoang tưởng "rút ống thở" gần đây của một tài khoản ảo trên mạng xã hội đã làm cho tất cả mọi người phải rùng mình về đạo đức con người.
Việc cắt ghép hình ảnh của bác sĩ Cao Hữu Thịnh thực hiện mổ thai trước đó để đưa vào 1 câu chuyện khác là sai trái. (Ảnh VTC)
Rùng mình bởi sự đánh mất đi y đức nghề nghiệp và táng tận lương tâm của một con người, khi ngang nhiên tước đoạt đi mạch thở của người bệnh đang cần sống mà người đó là mẹ mình, dù chỉ là một câu chuyện hoang đường được dựng lên nhằm mục đích trục lợi đánh vào sự thương cảm của người khác.
Rùng mình bởi một câu chuyện hư cấu hoang tưởng được hình thành trong suy nghĩ và hành động trái với luân thường đạo lý mà nó vẫn được chia sẻ rầm rộ từ những người có ảnh hưởng trong xã hội, kèm theo những bình luận, cảm xúc có phần phi thực tế gây hoang mang dư luận mà chưa được kiểm chứng thông tin có thật hay không.
Táng tận lương tâm bởi câu chuyện được dựng lên ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát cao điểm nhất, khắp nơi đang xảy ra tình trạng quá tải với nhiều ca F0 trở nặng, nhiều người tử vong và nỗi sợ đối mặt với tử thần giữa lằn ranh mong manh. Câu chuyện hư cấu này đã đánh vào nỗi sợ hãi của mọi người giữa hai lựa chọn sống còn là có nên tin theo bác sĩ, bệnh viện hay tự mình chữa trị, vì nếu có lỡ mình là bệnh nhân gặp trường hợp đó thì chết chắc vì bị rút ống thở.
Tàn ác tột cùng khi thông tin được dựng lên trong bối cảnh các bác sĩ phòng mổ, cấp cứu cần phải có sự lựa chọn tức thì. Tước đoạt mạng sống người khác (bệnh nhân), bác sĩ quyết định rút ống thở người mẹ ruột đang cần sống, để chuyển qua cấp cứu ca bệnh khác với một sự vô cảm lạnh lùng còn cho rằng đó là ngày mồ côi…
Hiến pháp, luật pháp quốc tế về quyền sống con người đã nêu rất rõ ràng: Không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác dưới bất kỳ hình thức nào đó là tuyên ngôn quyền sống (the right to life) là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế.
Cụ thể, Điều 3 Tuyên ngôn Toàn thế giới về nhân quyền (UDHR) năm 1948 nêu rằng: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cụ thể hóa Điều 3 UDHR, trong đó nêu rằng: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”.
Quyền sống là "một quyền tối cao của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị tạm đình chỉ việc thực hiện”.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền sống đã được đề cập trong những đạo luật của các triều đại phong kiến, tiêu biểu như Quốc triều Hình Luật (Hậu Lê), Bộ luật Gia Long (Nguyễn)… thông qua những quy định nhằm ngăn ngừa và trừng trị những hành vi tuỳ tiện tước bỏ tính mạng của con người.
Trong thời hiện đại, quyền sống theo nghĩa rộng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, thông qua việc nhắc lại tuyên bố về quyền này trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Sau đó, các văn bản pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là các văn bản pháp luật hình sự, đã có những quy định về bảo vệ tính mạng của con người khỏi bị xâm hại một cách trái pháp luật. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và trong các đạo luật chuyên ngành trước đây, quyền sống không được đề cập như một quyền cụ thể, mà chỉ được thể hiện thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Chỉ đến Hiến pháp năm 2013, quyền này mới được nêu trực tiếp trong Điều 19 và được gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Chiếu theo những công ước và luật pháp hiện hành, việc rút ống thở người bệnh đang sống là một tội ác giết người, lại được thực hiện bởi chính những người hành nghề y đức cứu chữa bệnh cho mọi người, xét về luân thường đạo lý là phạm tội nghịch tử, con giết chết ba mẹ.
Trong các bệnh viện, phòng hồi sức cấp cứu là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng cần phải can thiệp y tế nhanh nhất có thể để giữ mạng sống và cứu qua cơn nguy kịch bằng máy trợ thở, những lúc ấy tính mạng con người được tính bằng giây và quyết định của bác sĩ, gia đình là cực kỳ quan trọng.
Ai trong chúng ta cũng đã ít nhất một lần chứng kiến những cảnh ấy, sẽ chẳng ai tán tận lương tâm đến mức để người thân của mình nằm chờ chết mà không cầu cứu đến bác sĩ, y tá. Cũng sẽ chẳng ai can tâm rút ống thở người thân mình khi họ đang còn sống, dù sống thoi thóp hay thực vật.
Vậy nên, nếu là một bác sĩ, hành động rút ống thở bệnh nhân lại càng không thể chấp nhận, đó là một tội ác khi nó đi ngược lại y đức nghề nghiệp, đạo đức con người và đạo hiếu làm con vì tước đoạt đi mạng sống người mẹ, dù câu chuyện được hư cấu nhưng cũng sẽ gây nên một sự khủng hoảng niềm tin không hề nhỏ trong xã hội vì sự băng hoại đạo đức đến mức tàn bạo vô cảm.
Đầy rẫy trong xã hội hiện nay là những lan truyền về sự vô cảm, những câu chuyện hư cấu tàn ác dựng lên để lái dư luận vào những thị phi, những phản ứng cảm xúc tức thời từ những người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để lôi kéo đám đông nhằm phục vụ cho mục đích đen tối, trục lợi từ chính sự việc đó, trục lợi từ chính niềm tin mù quáng của đại đa số cộng đồng. Hệ lụy đằng sau sự hoang tưởng hư cấu còn kinh khủng hơn khi gieo vào trong đầu những con người, giới trẻ thói vô cảm trước thời cuộc, sống ích kỷ, tàn độc với cộng đồng, người thân. Thời gian qua đã không ít những vụ việc đau lòng đã xảy ra con giết cha mẹ, bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân, hành hạ trẻ em, bạo hành gia đình….
Sẽ không khó để nhìn thấy những tích cực từ cuộc sống quanh ta và xã hội, một người con hết lòng chăm sóc cho cha mình trong những ngày nằm viện. Một bà mẹ đã ngày đêm trên những tuyến đường mưu sinh che chở cho đứa con bằng những tấm bìa giấy qua đêm lạnh. Giấc ngủ ngon lành của một em bé dưới chân cầu sau ngày theo ba đi bán rong khắp các nẻo đường…
Một bông hồng được cài lên ngực áo của người con và nước mắt hạnh phúc rơi trào trên má trong một buổi lễ báo hiếu, khi người con ấy nhận thức được rằng mình rất hạnh phúc khi còn có ba, có mẹ bên cạnh.
Hãy để ý những điều tốt đẹp của cuộc sống chung quanh mình nhiều hơn, đừng chạy theo những cảm xúc của người khác mà đánh mất lương tâm, lý trí và niềm tin vào mọi thứ chỉ vì những việc hư cấu được tạo nên từ tài khoản ảo trên mạng xã hội.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 10/08/2021