Lệnh cấm Grab, Uber hoạt động tại 13 tuyến phố Hà Nội vào các khung giờ cao điểm được áp dụng chính thức từ hôm nay (11/1/2018).
13 tuyến phố được cắm biển cấm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.
Đây cũng là những tuyến phố trước đó đã cấm taxi. Việc lắp biển cấm đã hoàn thành xong từ hôm qua (10/1). Các loại xe này sẽ bị cấm từ 6h đến 9h; và buổi chiều từ 16h30 đến 19h30. Nếu vi phạm thì sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ về việc cấm xe ở các tuyến đường. “Việc cấm các loại xe hợp đồng sẽ giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Hơn nữa, Uber, Grab hoạt động phá vỡ phương án tổ chức, quy hoạch giao thông tại Hà Nội”. – ông Viện nói.
Liên quan đến vấn đề làm sao để phân biệt Grab, Uber vi phạm đi vào đường cấm, ông Viện cho biết, theo quy định, các xe Grab, Uber theo quy định đều phải dán logo. Cảnh sát và thanh tra giao thông sẽ nhận diện qua logo để xử phạt. Nếu xe nào cố tình không dán logo mà đi vào đường cấm, khi bị phát hiện sẽ xử lý luôn cả hai lỗi.
Theo giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, dù chưa thể triệt tiêu được hết hoạt động của Grab, Uber trong khung giờ cao điểm ở những tuyến cấm nhưng việc cấm này thể hiện rõ quan điểm của thành phố trong việc quyết liệt áp dụng các giải pháp chống ùn tắc.
Ông Viện cũng cho biết các tuyến phố được cắm biển cấm là không cố định lâu dài. Tuyến nào giảm ùn tắc sẽ được dỡ bỏ biển cấm, ngược lại tuyến nào ùn tắc nghiêm trọng sẽ được bổ sung biển cấm loại hình xe vận tải hành khách.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2017, Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị UBND Hà Nội về việc quy hoạch số lượng xe Grab, Uber, đặt biển cấm trên một số tuyến phố.
Theo đó, Sở kiến nghị không mở rộng đơn vị mới, tăng thêm số lượng phương tiện. Ngoài ra, Uber và GrabTaxi phải tuân thủ các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông như xe taxi để đảm bảo giao thông, giảm ùn tắc của thành phố.
Được biết, hiện Hà Nội có trên 15.000 taxi công nghệ được cấp phép thí điểm, trong đó có 11.400 xe Grab và 2.400 xe Uber.
Hồi tháng 9/2017, Sở GTVT Hà Nội từng kiến nghị bổ sung biển báo phụ cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia thí điểm nhằm hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông…
Bên cạnh đó, Hiệp hội taxi TP HCM và Hà Nội cũng nhiều lần đề xuất cấm đường xe chạy hợp đồng điện tử như Uber, Grab... để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống.
Tại Hà Nội, taxi truyền thống đã bị cấm lưu thông vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến phố, thậm chí, có những tuyến phố cấm taxi hoạt động để giảm tình trạng ùn tắc giao thông.