Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, Bộ trưởng Bộ (NN&PTNT) đã có định hướng để giải quyết khó khăn, nhưng mới chỉ ở mức cơ bản và cần quyết liệt hơn nữa.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình cho biết, thời gian qua, tại Quảng Bình, giá đầu vào ngành Nông nghiệp tăng khá cao, trong đó giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng vật nuôi đều cao, khiến người nông dân hết sức vất vả. Trong khi đó, sản phẩm làm ra lại lặp lại điệp khúc được mùa mất giá, do đó, người dân rất khó “sinh lời” trên mảnh đất nông nghiệp tại địa phương.
>>Câu chuyện được mùa mất giá như một "lời nguyền"
Nói về những giải pháp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra trong phiên chất vấn nhằm bình ổn giá đầu vào của sản phẩm nông nghiệp, đại biểu cho rằng, còn liên quan đến nhiều ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng cũng đã đưa ra một số giải pháp, tuy nhiên, cần quyết liệt hơn nữa.
Với tỉnh Quảng Bình, có đầy đủ các ngành như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt, ngư dân Quảng Bình thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong đánh bắt thủy sản khi giá xăng dầu tăng cao. Tại phiên chất vấn, đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đã đặt ra câu hỏi về vấn đề này, song đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, Bộ trưởng đã có định hướng để giải quyết khó khăn, nhưng mới chỉ ở mức cơ bản, chưa thực sự đáp ứng được những mong mỏi của đại biểu, cử tri địa phương.
“Trong thời gian tới, hy vọng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có các giải pháp đồng bộ hơn nữa, Nhà nước xem xét trợ giá cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sản phẩm. Với ngư nghiệp, khi được tạo điều kiện bằng cơ chế rõ ràng, thì ngư dân mới có thể yên tâm ra khơi bám biển”, đại biểu Trần Quang Minh bày tỏ.
Trước đó, trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Bộ trưởng chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.
Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…
Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.
Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn.
Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…
Có thể bạn quan tâm
17:54, 07/06/2022
17:16, 07/06/2022
20:14, 07/06/2022
17:03, 07/06/2022
15:23, 07/06/2022