Từ minh bạch thông tin đến việc "nghỉ hay học"

Trương Khắc Trà 28/02/2020 06:00

Việc nghỉ hay học không nên “đẩy” nhiệm vụ lên Thủ tướng và cũng chẳng nên “chuồi” thẳng về địa phương.

Hai hôm nay, huyện Gio Linh (Quảng Trị) hốt hoảng vì 2 cô bé trở về từ vùng dịch lớn thứ 2 thế giới tại Deagu (Hàn Quốc). Suốt ngày (26/2) tiếng còi xe cấp cứu hụ liên tục chở người đi cách ly, khắp nơi từ chợ búa đến quán cà phê râm ran tán bàn.

Tối hôm đó, mọi người đổ xô đi mua mì tôm, nước ngọt dự trữ, có đại lý chỉ một đêm thu về tới 5 triệu đồng tiền bán mỳ ăn liền. Cả ngày 27/2 người dân thấp thỏm chờ đợi kết quả xét nghiệm hai người trở về từ Hàn Quốc. Đầu giờ chiều mọi thứ nhẹ nhõm. Kết quả âm tính.

Khu vực cách ly hai người nghi nhiễm SARS-CoV2 tại Quảng Trị (Ảnh:thanhnien.vn)

Khu vực cách ly hai người nghi nhiễm SARS-CoV2 tại Quảng Trị (Ảnh:thanhnien.vn)

Cách đây vài ngày, Việt Nam tuyên bố đã khống chế được dịch SARS-CoV2 ở con số 16 ca. Rất nhiều quan điểm bày tỏ hồ nghi, cả người viết bài này cũng không ngoại lệ.

Chỉ bởi phép so sánh nhỏ, tại Singgapore, quốc đảo tí hon giữa biển khơi, an ninh, an toàn, chỉ số Y tế, sức khỏe thuộc nhóm đầu hành tinh, thế mà số ca nhiễm còn nhiều hơn Việt Nam.

Đến cả Mỹ, nằm bên bờ Đại Tây Dương, cách xa Vũ Hán hàng vạn dặm, hệ thống phòng ngừa dịch bệnh nhạy như cái bẫy, kỹ năng kiểm soát tốt, ấy vậy nhưng số ca nhiễm cũng cao hơn Việt Nam.

Rồi đến Hàn Quốc, nền kinh tế thứ 9 thế giới, văn minh thịnh vượng là vậy, ý thức người dân cao chót vót lại không có đường biên giới với Trung Quốc nhưng đã biến thành ổ dịch lớn thứ hai sau Vũ Hán.

Còn Việt Nam, ngoài những cửa khẩu chính, có hàng trăm con đường tiểu ngạch dọc biên giới dài hàng trăm km với Trung Quốc, người Trung Quốc đến Việt Nam đông đến mức không thể phân biệt. Vậy con số 16 ca như trước đây liệu có đúng, thậm chí thêm 31 người vẫn còn ít!

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Nên cho học sinh tiếp tục nghỉ?

    [COVID-19] Nên cho học sinh tiếp tục nghỉ?

    14:20, 22/02/2020

  • Việt Nam có minh bạch về COVID-19?

    Việt Nam có minh bạch về COVID-19?

    17:52, 22/02/2020

  • Yêu cầu minh bạch thông tin giá nhất là trong thời điểm bùng phát nCoV

    Yêu cầu minh bạch thông tin giá nhất là trong thời điểm bùng phát nCoV

    16:10, 02/02/2020

  • Minh bạch thông tin còn nhiều… khoảng tối

    Minh bạch thông tin còn nhiều… khoảng tối

    10:25, 28/03/2019

Rất nhiều người kêu gọi minh bạch thông tin về dịch bệnh. Điển hình như tại Quảng Trị, mọi thông tin được minh bạch ngay từ đầu, từ tên tuổi, quê quán, số lượng người nghi nhiễm, cách ly ở đâu, tình trạng ra sao...đều được cung cấp rất nhanh chóng cho đội ngũ phóng viên, nhà báo trên địa bàn.

Thế nhưng, không nhiều người đủ khả năng ứng xử với nguồn thông tin minh bạch, họ sốt sắng tích trữ lương thực, khẩu trang và không quên giành thời gian đàm tiếu pha trộn chế biến thành những câu chuyện giật gân.

Vậy nên, hãy đừng trách người dân các thành phố lớn đổ xô mua khẩu trang về tích trữ, tạo cơ hội cho những con buôn trục lợi. Vì sao không chỉ mỗi người một cái? Vì sao không “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói?

Minh bạch trong trường hợp này liệu có tốt? Tôi tin chắc, chính quyền địa phương đã làm tròn trách nhiệm. Vấn đề còn lại là ở người dân, hãy trang bị cho mình kỹ năng tiếp cận thông tin.

Đại dịch lần này, lần đầu tiên Quảng Trị xảy ra tình huống cách ly khẩn cấp, nhưng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh vẫn chưa kết thúc. Vậy hơn một tháng trường học đóng cửa là nỗi lo “bò trắng răng”?

Một lý thuyết bao trùm nghe có vẻ rất thuyết phục “để đảm bảo an toàn cho học sinh”. Nhưng thực tế 63 tỉnh thành không phải nơi nào cũng nguy hiểm như nhau.

Thời chiến tranh, nguy cơ chết chóc cũng như vậy, nhưng người ta biết cách vừa chiến đấu vừa lao động, có những ngôi làng dưới lòng đất...

Trong trường hợp này “quyết định cho nghỉ học” luôn dễ dàng hơn rất nhiều “cho học sinh tiếp tục đến trường”. Nhưng nghĩ dài ra một chút, năm học 2020 có nguy cơ “vỡ trận”, hàng triệu đứa trẻ bỗng nhiên rãnh rỗi sa đà, phụ huynh nhức đầu tìm cách chống chọi.

Và việc học sinh đồng loạt nghỉ học còn gây ra một suy luận rất tai hại, có lẽ dịch bệnh đã về đến đầu ngõ mà chính quyền vì sao không công bố cho nhân dân biết?

Minh bạch thông tin không phải lúc nào cũng tốt

Minh bạch thông tin không phải lúc nào cũng tốt

Những lúc như thế này mới cần bản lĩnh người lãnh đạo, người đứng đầu ngành. Trước hết đó là nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT trên cơ sở tham vấn các chuyên gia của Bộ Y tế, tham mưu cho chính phủ chỉ đạo các địa phương.

Chứ không nên “đẩy” nhiệm vụ lên Thủ tướng và cũng chẳng nên “chuồi” thẳng về địa phương.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3. Nhưng cơ sở nào để tính toán qua tháng 3 dịch sẽ hết? Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa thể dự báo chính xác chiều hướng diễn biến của dịch bệnh.

Trong môi trường sinh sống nông thôn hiện nay, liệu học sinh nghỉ học ở nhà sẽ an toàn hơn đến trường? Nên dựa vào cơ sở nào để quyết định cho mở trường hay tiếp tục khóa cửa?

Đó là những vấn đề hết sức khoa học, cần có nghiên cứu và giờ là lúc đội ngũ có bằng cấp cao có cơ hội phát huy năng lực!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ minh bạch thông tin đến việc "nghỉ hay học"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO