Từ vụ việc pate Minh Chay, nhiều quan điểm cho rằng quy trình đưa ra cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm đang quá cứng nhắc và đến khi cơ quan chức năng đưa ra cảnh bảo về sự việc thì… sự đã rồi.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên vào ngày 17/7, cơ quan y tế TP HCM hội chẩn và nghi ngờ khả năng ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo quy trình, TP HCM phải gửi báo cáo ra Bộ Y tế - cơ quan có thẩm quyền, và đơn vị này phải tập hợp ý kiến, chờ các địa phương khác. Sau đó cục chuyên trách của bộ phải tiến hành thử để xem chủng nào, loài vi khuẩn nào thì phải tốn ít nhất 2-3 ngày. Đây được coi ví dụ điển hình cho sự "đúng quy trình", thậm chí có phần tương đối quan liêu.
Có thể những trường hợp như pate Minh Chay không nhiều nhưng không phải là không có và trong tương lai còn có bao nhiêu vụ tưng tự xảy ra thì không ai đoán trước được. Do đó, nhiều chuyên gia khẳng định cơ quan quản lý cần phải có quy định cụ thể như trong vòng bao lâu phải báo cáo, phải trả lời. Bởi với trường hợp này cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận và cảnh báo sớm hơn, sẽ giúp hạn chế sự thiệt hại.
Nói như bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM: Nhiều trường hợp chúng ta không xem hiệu quả công việc, mà cứng nhắc xem xét đúng quy trình. Đôi khi đúng quy trình lại đưa đến kết quả, hiệu quả không tốt thì nên xem xét sửa đổi. Rất cần nghiên cứu để có quy trình phù hợp.
“Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm - nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay. Tôi nghĩ y bác sĩ chắc chắn sẽ lựa chọn yếu tố sức khỏe người dân lên hàng đầu”, bà Lan nhấn mạnh.
Trước những lo ngại cho rằng nếu công bố sớm mà sau này doanh nghiệp không có lỗi thì có thể tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Lê Văn Sỹ (giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa) cho rằng, một khi đã có những bằng chứng nghiêng nhiều về việc một sản phẩm nào có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân, lập tức cảnh báo ngay cho cộng đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng phải tạm dừng ngay việc mua bán, sản xuất sản phẩm đó và lập tức vào cuộc để tránh hậu quả cho những trường hợp tiếp theo.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương (Hà Nội) nhấn mạnh, sức khỏe và tính mạng của người dân phải được đặt trên hết so với lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Tất nhiên việc công bố cảnh báo ở đây là cảnh báo có hiện tượng và dấu hiệu cho thấy sản phẩm đó có vấn đề chứ không phải lập tức đình chỉ, buộc doanh nghiệp dừng hoạt động.
“Nói rõ hơn, chúng ta nên công bố hiện tượng có một số trường hợp đã sử dụng sản phẩm nào đó và đề nghị nhà sản xuất phải xem lại sản phẩm, quy trình sản xuất. Đồng thời lưu ý người dân khi sử dụng sản phẩm phải thận trọng, nếu có tình trạng xấu khi sử dụng sản phẩm thì phải báo cho cơ quan chức năng ngay”, ông Trí nói.
Việc cảnh báo chỉ nên dừng ở mức tạm dừng hoạt động mua bán, sử dụng sản phẩm đó, chờ các cơ quan chức năng có kết luận chính xác. Cần nói rõ là tạm dừng, không phải nghiêm cấm. Việc tạm dừng chỉ là để xác minh cụ thể, nếu đúng sản phẩm có vấn đề thì lập tức cấm sản xuất, sử dụng và thu hồi sản phẩm. Nhưng nếu sản phẩm không gây hại, lập tức phải cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động để không ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Sỹ
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa