Thật khó chấp nhận chuyện thầy giáo thì đánh học trò vẹo xương sống, cô giáo thì ăn cắp xe của nhân viên.
Trộm cắp vốn không phải là chuyện gì quá lạ trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng việc một nữ giáo viên trộm xe của đồng nghiệp bán lấy tiền tiêu xài lại khiến dư luận bàn tán xôn xao. Câu chuyện phần nào cho thấy nhân cách méo mó của một bộ phận giáo viên.
Mới đây, Cơ quan điều tra huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vừa bắt giữ khẩn cấp đối với Hà Thị Thắm - Hiệu trưởng trường mầm non song ngữ HAPPY KIDS để điều tra hành vi trộm cắp.
Vào ngày 23/1, Thắm thấy chùm chìa khóa xe mô tô nhãn hiệu Lead màu đỏ của chị Đào Thị Hà (SN 1994), là giáo viên cùng trường để tại bệ cầu thang tầng 1 của trường. Thắm đã lấy chìa khóa rồi mở xe của Hà mang đi cắm tại hiệu cầm đồ. Chiếc xe được bán với giá 23.000.000 đồng. Thắm đã tiêu xài hết 20.000.000 đồng và đưa lại cho Hà 3.000.000 đồng với danh nghĩa nhà trường hỗ trợ cho chị Hà mua xe khác.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 02/01/2019
05:00, 31/12/2018
05:00, 30/12/2018
12:00, 28/12/2018
05:38, 10/12/2018
15:20, 08/12/2018
06:00, 27/11/2018
00:05, 23/11/2018
05:00, 20/11/2018
Tự bao giờ người Việt có câu nói cửa miệng “Lương tâm không bằng lương thực”, nhằm nhắc nhở không chỉ nhà giáo, mà tất cả các nhà, gồm cả cán bộ nhà nước là chúng ta cần có ăn cái đã, sau rồi các cái khác mới tính. Việc “chôm” đồ của chính giáo viên trường mình không khác gì kiểu “Đói ăn vụng túng làm liều”.
Tức là, một khi con người ta đã túng thiếu thì con người ta (bất kể ai) cũng dễ nảy sinh lòng tham và làm mờ nhân phẩm của chính bản thân mình, đối chiếu với trường hợp trộm xe của cô Hiệu trưởng trường HAPPY KIDS thì vấn đề này càng gây bức xúc thêm cho dư luận.
Nhân chuyện cô giáo “chôm chỉa” tài sản, tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện về lương tri của một tên trộm cách đây không lâu. Đó thật sự là hai con người có vị thế xã hội khác nhau, tương phản nhau, nên ngẫm lại càng thấy đau lòng. Chuyện là, khoảng đầu tháng 2/2019, chị Phan Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê An Giang) chạy xe máy ở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương bất ngờ bị một nam thanh niên áp sát, giật túi xách đựng 107 triệu đồng cùng 2 chiếc điện thoại.
Sau một ngày, bảo vệ UBND phường phát hiện chiếc túi xách đựng 100 triệu đồng cùng lá thư viết tay dài 3 trang giấy ở chốt trực. Trong thư, tên cướp nói: “Trước số tiền quá lớn, tôi ân hận, cắn rứt lương tâm. Tôi tự hỏi làm sao có thể đối diện với đứa con bé bỏng vừa mới chào đời đây? Người bị cướp họ đang rất cần tiền mà sao tôi làm vậy...”. Để rồi, hành động “có một không hai” của tên cướp này được chính người bị cướp đích thân xin tha, không trách phạt, dù dư luận lên tiếng cần phải xử nghiêm.
Các nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn xưa và nay đều đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, phát triển xã hội. Luôn coi trọng phẩm chất đạo đức của nhà giáo, coi đó là thành tố cơ bản, nền tảng trong nhân cách nhà giáo. Ở phương Đông cổ đại, Nho giáo coi mối quan hệ thầy trò là một trong ba mối quan hệ then chốt của xã hội: quân - thần, sư - đệ, phụ - tử và yêu cầu “thầy ra thầy”, “trò ra trò”. Triết gia Hy Lạp cổ đại Platon cho rằng: Người thợ giày tồi thì quốc gia không quá lo lắm, dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giày xấu. Nhưng người thầy mà dốt nát, vô luân thì đất nước sẽ xuất hiện những người kém cỏi xấu xa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”.
Vậy nên, thật khó chấp nhận chuyện thầy giáo thì đánh học trò vẹo xương sống, còn cô giáo thì ăn cắp xe của nhân viên... Ngành giáo dục sao mà có nhiều “thành tích lạ”, mà mấy ai ý thức được rằng những hành động này là sự méo mó trong đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề giáo và chính là nguyên nhân bạo lực học đường, gây ra không ít chuyện phụ huynh đánh giáo viên, trò dùng lại bạo lực đánh thầy..v..v.
Những chuyện không hay xảy ra từ nhiều góc cạnh của ngành giáo dục khiến cho hình ảnh, vị thế người thầy mất giá trầm trọng. Thậm chí chính tai tôi còn nghe trực tiếp một số phụ huynh khi đi đón con sau giờ tan trường, trong lúc chờ các em, họ nói chuyện với nhau, gọi các thầy cô là: “Bọn giáo viên” đó… ..v..v. Đấy, nghe gọi các thầy cô mà giống như gọi bọn giang hồ, tội phạm… không bằng ấy. Xót xa lắm!
Buồn thật, xót xa thật, nhưng dẫu sao đi nữa, chúng ta hãy nhìn và hướng tới điều tích cực hơn của ngành giáo dục đó là vẫn còn có hàng nghìn, hàng vạn những hành động cao đẹp của các thầy cô, nhất là các thầy cô vì yêu nghề mà không ngại khó, ngại khổ, xông pha gieo con chữ ở nơi miền núi, biên cương, hải đảo. Những nhà giáo chân chính, tâm huyết vì sự nghiệp trồng người.
Hy vọng những điều tích cực đó sẽ, đã và đang đánh thức lương tâm nhà giáo trong một số ít cô thầy vốn mang những suy nghĩ và biểu hiện tiêu cực vừa trắng trợn, vừa tinh vi trong nghề nghiệp, làm vẩn đục truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.