Từ vụ Đồng Tâm nghĩ về đồng thuận và đồng hành

An Nhiên 03/02/2020 06:08

Những cốc trà nóng cho bộ đội, những chiếc áo lính được dân giặt hộ, hỗ trợ bộ đội xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn... là những hình ảnh được ghi nhận tại Đồng Tâm thời điểm hiện tại.

Vụ việc xảy ra ngày 9/1/2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã gây hậu quả nghiêm trọng. Sau gần 1 tháng, đến nay, tình hình an ninh, trật tự ở Đồng Tâm cơ bản ổn định.

Mọi hoạt động của người dân diễn ra bình thường. Nhiều người dân tích cực hỗ trợ lực lượng công an, quân đội thực hiện nhiệm vụ. Việc thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.

Sinh hoạt của người dân tại xã Đồng Tâm đã ổn định trở lại

Sinh hoạt của người dân tại xã Đồng Tâm đã ổn định trở lại. Ảnh: Thanh Niên

Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm ổn định tình hình, từng bước tháo gỡ vướng mắc giữa người dân và chính quyền thì hiện các phần tử xấu vẫn tiếp tục lợi dụng biến cố tại Đồng Tâm để tung thông tin độc hại làm nhiễu dư luận, mạt sát chính quyền, nói xấu chế độ.

Vậy, bản chất của sự việc như thế nào, kết quả đến thời điểm hiện tại ra sao, hãy cùng Diễn đàn Doanh nghiệp tìm hiểu.

Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.

Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm.

Đây là khu đất đồng Sênh (vốn dĩ thuộc đất quốc phòng) nhưng người dân canh tác hàng chục năm qua khiến cho những người dân nơi dây “lầm tưởng” là đất của mình.

Hệ quả là một số đối tượng đã lợi dụng vấn đề dân chủ để khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, xuất hiện nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự.

Vụ việc đã trở thành “đỉnh điểm” khi ngày 15/4/2017, nhóm người quá khích trong xã Đồng Tâm đã bắt giữ trái pháp luật 38 người (chủ yếu là công an, kể cả lãnh đạo huyện).

Mặc dù, ngay sau đó, ngày 22/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân; cho biết đã và đang tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.

Đến ngày 24/7/2017, Thanh tra TP Hà Nội đã ra thông báo Kết luận “Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”. Tuy nhiên, một nhóm đối tượng tại xã Đồng Tâm vẫn không đồng ý, đã gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết tiếp.

Lực lượng chức năng dùng dây thép gai bảo vệ khu vực Sân bay Miếu Môn. Ảnh: Duy Anh/Zing

Lực lượng chức năng dùng dây thép gai bảo vệ khu vực Sân bay Miếu Môn. Ảnh: Duy Anh/Zing

Ngày 25/4/2019, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng. Diện tích đất có sự chênh lệch tại các thời điểm nhưng đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, điều chỉnh bằng quyết định giao đất đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch. Nhưng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công người thi hành công vụ, làm 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ Đồng Tâm và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

    14:00, 23/01/2020

  • Đề nghị mức án với 14 cựu cán bộ sai phạm đất đai ở xã Đồng Tâm

    15:38, 09/08/2017

  • Khởi tố vụ việc tại xã Đồng Tâm: Đạt lý, cần thêm thấu tình

    12:00, 16/06/2017

  • Nhiều cảm xúc khi khởi tố vụ án Đồng Tâm  

    14:26, 14/06/2017

  • Vì sao khởi tố vụ việc ở Đồng Tâm?

    13:00, 14/06/2017

  • Khởi tố vụ án bắt giữ 38 cán bộ ở Đồng Tâm

    08:10, 14/06/2017

  • Vụ việc ở “điểm nóng” Đồng Tâm: Người phát ngôn Chính phủ nói gì?

    19:55, 04/05/2017

Sự việc sáng 9/1/2020 có thể coi là “đỉnh điểm” để tạo nên những luồng thông tin hỗn độn, đẩy trạng thái dư luận vào rối ren.

Các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, cơ hội đã lợi dụng cơ hội phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bình tĩnh nhìn lại sự việc, có thể nhận thấy, việc lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân Đồng Tâm đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức quan tâm từ rất lâu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với người dân sau gần 10 ngày căng thẳng - Ảnh: Nguyễn Hưởng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân Đồng Tâm. Ảnh: Nguyễn Hưởng/NLĐ

Thực tế thì ngay từ khi xảy ra sự việc một số đối tượng kích động người dân bắt và giữ trái phép 38 cảnh sát cơ động, cán bộ huyện Mỹ Đức tại Nhà văn hóa thôn Hoành, ngày 22/4/2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về đối thoại và thuyết phục người dân chấm dứt hành động sai phạm này.

Và sau khi có Thông báo số 611/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, ngày 25/11/2019, tại trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức, Thanh tra Chính phủ và thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp sân bay Miếu Môn.

Chính tại đây, đại diện nhân dân các xã Mỹ Lương, Đồng Lạc, Trần Phú (huyện Chương Mỹ) và cả xã Đồng Tâm có mặt tại buổi đối thoại đều đề nghị lực lượng chức năng sớm thi công tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn để nhân dân yên ổn làm ăn.

Cũng cần phải nói thêm, trong hơn 2 năm qua, UBND thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức cũng đã tổ chức thông báo công khai dưới nhiều hình thức về các kết luận, thông báo của Thanh tra Chính phủ.

Cùng với đó, Đảng ủy xã Đồng Tâm đã chỉ đạo thông tin thường xuyên, liên tục trên hệ thống truyền thanh của xã để toàn thể nhân dân biết về nội dung những văn bản này.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi đến nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm), nơi lưu giữ các cán bộ, chiến sĩ - Ảnh: Văn Duẩn

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi đến nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm), nơi lưu giữ các cán bộ, chiến sĩ - Ảnh: Văn Duẩn/NLĐ

Các cán bộ, chiến sĩ bị lưu giữ rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành

Các cán bộ, chiến sĩ bị lưu giữ rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành. Ảnh: NLĐ

Trước đó, các cơ quan tư pháp cũng đã xử lý hình sự nghiêm khắc một số cán bộ, nguyên lãnh đạo xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức có hành vi sai phạm do liên quan đến quản lý đất đai.

Tuy nhiên, có thể do quá thận trọng trong việc lắng nghe, giải quyết khiếu kiện, nên đã dẫn đến sự việc đau lòng. Không chỉ gần 30 cán bộ Nhà nước có vi phạm đã bị xử lý, trong đó có một số bị xử lý hình sự, mà đã có ba chiến sĩ công an hy sinh, niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước ít nhiều bị rạn nứt.

Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vụ việc tại Đồng Tâm.

Khi nhắc lại vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm tại buổi làm với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận: “Việc để xảy ra khiếu kiện của người dân có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc buông lỏng quản lý”.

Thực tế, các đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra cả thời gian dài. Nó phần nào cho thấy, ngoài tính pháp lý thì công tác dân vận, tuyên truyền, giải quyết các khiếu nại, tố cáo ở địa phương này vẫn còn những hạn chế.

Bởi “Nếu người cán bộ có sự lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân thì sẽ rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt”. - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm khi chia sẻ về vụ việc này.

Như vậy, bản chất sự việc đã rõ ràng. Do đó, hơn lúc nào hết, các cấp chình quyền cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc này. Để sự việc đạt đến độ thấu tình hợp lý, cần phải có những hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn nữa để từng bước tháo gỡ mâu thuẫn, vướng mắc trong dân, đặc biệt phải làm rõ tất cả các vấn đề liên quan mà người dân đang hiểu lầm, giải quyết thoải đáng các khiếu nại của dân.

Cùng với đó, dư luận nói chung và người dân Đồng Tâm riêng cần phải thật sự tỉnh táo để phân biệt đúng sai, tuyệt đối không để thông tin độc hại chi phối, dẫn tới hiểu sai bản chất vụ việc, và những mất mát đau lòng không đáng có.

Trong vụ việc này, phải khẳng định lại rằng: Nhân dân Đồng Tâm không có lỗi. Kẻ có lỗi ở đây chính là những kẻ lợi dụng tình hình để kích động quần chúng nhân dân chống đối Nhà nước, gây bất ổn xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng có một phần lỗi bởi ngay từ ban đầu sự vào cuộc còn rời rạc, dẫn đến sự hiểu lầm không đáng có như vậy.

Quy định của pháp luật về đất đai đã rất rõ ràng: Toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Tất cả các hồ sơ, giấy tờ hiện có đều chứng minh rõ hiện trạng đất quốc phòng, không có bất kỳ sự mập mờ, khuất tất nào.

Dù đâu đó vẫn còn số ít cố tình tảng lờ, tung ra nhiều luận điệu sai trái, làm đơn khiếu kiện kết của của Thanh tra thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thật vui mừng khi số đông người dân Đồng Tâm đã hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Người dân ủng hộ, tình quân dân đồng lòng vì nhiệm vụ chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự thực không luận điệu xuyên tạc nào có thể làm lu mờ được. Ảnh: Giang Nam

Người dân ủng hộ, tình quân dân đồng lòng vì nhiệm vụ chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự thực không luận điệu xuyên tạc nào có thể làm lu mờ được. Ảnh: Giang Nam/LĐTĐ.

Đến Đồng Tâm dịp xuân Canh Tý này, có thể cảm nhận được sự yên bình trên mảnh đất mà chỉ mới đây thôi đã có máu chảy tang thương cùng bao sự phẫn nộ đến tột đỉnh. Niềm vui, sự tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước đã quay trở lại với mảnh đất nơi này.

Ở một góc này, người dân cẩn trọng pha từng cốc trà ấm để xua tan đi cái giá lạnh cho bộ đội khi các anh nghỉ tay trong quá trình xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn.

Ở một góc khác, người dân tự nguyện mang những tấm áo thấm đẫm mồ hôi của cánh lính trẻ tham gia xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn về giặt giùm.

Và không khỏi xúc động khi chứng khiến hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên, nam phụ, lão ấu… các xã Mỹ Lương, Đồng Lạc, Trần Phú và số đông người dân xã Đồng Tâm nhiệt thành ra hỗ trợ các đơn vị thi công để công trình sớm về đích đúng tiến độ...

Hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên… các xã Mỹ Lương, Đồng Lạc, Trần Phú và số đông người dân xã Đồng Tâm đã nhiệt thành hỗ trợ lực lượng chức năng để công trình xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Ảnh: Giang Nam

Người dân các xã Mỹ Lương, Đồng Lạc, Trần Phú và số đông người dân xã Đồng Tâm đã nhiệt thành hỗ trợ lực lượng chức năng để công trình xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Ảnh: Giang Nam/LĐTĐ

Những hành động kể trên đã chứng minh rằng: Người dân rất muốn gần chính quyền. Họ chỉ nổi loạn, chỉ phản đối khi chính quyền không minh bạch thông tin, thờ ơ, không lắng nghe, chia sẻ cùng dân.

Còn một khi chính quyền thật sự coi mình là "công bộc" của dân, phục vụ dân, lắng nghe dân, minh bạch các thông tin, hồ sơ giấy tờ..., họ cũng rất muốn được cùng với chính quyền, góp một phần công sức của mình cho nhiệm vụ chung, ví như việc chung tay xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn như vừa nói ở trên.

Mong rằng sau sự việc này, khoảng cách giữa người dân với cán bộ trong bộ máy chính quyền sẽ được kéo gần lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ vụ Đồng Tâm nghĩ về đồng thuận và đồng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO