Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) hiện đang có ý kiến nhiều chiều, nhất là với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho nam lên 62 và nữ lên 60.
Đương nhiên, Nghị quyết của Trung ương đã đề cập đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng yêu cầu tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm và đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm xã hội…
Bên hành lang Quốc hội, báo chí đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về “nguy cơ” những người trẻ sẽ ít đi cơ hội và người già sẽ càng có cơ hội “giữ ghế”. Có lẽ hiểu được “tâm tư” này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phải trấn an: “Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc đâu!”.
Lời trấn an này của Bộ trưởng Dung có lẽ cũng không xua tan được những thực tế hiện nay về việc làm, nhất là trong khu vực công. Ở diễn đàn Quốc hội, khi bàn về sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, nhiều đại biểu thừa nhận rằng: “Cho thôi việc một công chức, viên chức là rất khó khăn”.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 29/05/2019
11:00, 22/05/2019
08:00, 20/05/2019
11:10, 15/05/2019
05:00, 02/05/2019
10:09, 30/04/2019
Nhưng mặt khác, đầu năm 2016, TS Võ Đại Lược khi trả lời báo chí trước thềm Đại hội XII của Đảng đã nói: “Cơ chế hiện nay không có chỗ cho người tài”. Bởi những “quy trình” tưởng như là chặt chẽ để những người thực tài, có thể cống hiến cho sự nghiệp chung có điều kiện cống hiến, thì lại bị “thao túng” như nhiều trường hợp đã xảy ra. Cả hệ thống chính trị đã nhiều năm nay đặt vấn đề về nhân sự trong khu vực công.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập: “Công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt”. Chính vì “then chốt của mọi then chốt”, cho nên tuổi hưu không hẳn là một trong những yếu tố quyết định khi qua các đại án, người ta mới thấy dù có tăng hay giảm tuổi hưu, thì chất lượng lao động trong khu vực công, kể cả khu vực tư, mới là điều cần chú ý. Khi mà hàng loạt cán bộ cấp cao, những người đã “lọt” vào nhà nước bằng những quy trình hết sức ngặt nghèo bị vướng vòng lao lý, chắc một sự thật mới vỡ ra rằng: tăng hay giảm tuổi hưu không hẳn đã giải quyết được những vấn đề nội tại của hệ thống.
Tăng hay giảm tuổi hưu hiện nay có lẽ chỉ là “cái vỏ” của vấn đề. Không phải mà nhiều năm nay, Bộ Nội vụ đã rất nỗ lực, cố gắng hoàn thành đề án về “vị trí việc làm”. Ở đó, những tiêu chí của từng vị trí trong hệ thống chính quyền các cấp đều được mô tả rất rõ. Có thể, đây chính là một trong những yếu tố góp phần đề ra quy chuẩn cho nhân sự ở khu vực công, để hạn chế tình trạng “cả họ làm quan” hay “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, trí tuệ” xảy ra như đã thấy. Mà ai cũng hiểu, chính những “tệ nạn” này đã gây ra nhiều hệ lụy cho cả xã hội.
Không phủ nhận rằng, dự định tăng tuổi hưu sẽ mang lại một chút niềm vui cho những người “làm công ăn lương”, đóng BHXH, nhưng khi đại biểu Quốc hội và công luận vẫn còn băn khoăn thì rõ ràng định hướng này vẫn còn vấn đề. Dễ thấy rằng, tăng tuổi hưu thì quỹ BHXH dù có tăng nguồn thu, nhưng áp lực chi trả cũng tăng theo khi chỉ một việc trả lương hưu thì tỷ lệ cũng tăng vì số năm đóng BHXH sẽ nhiều hơn. Còn nếu vẫn giữ hoặc sửa đổi các quy định về BHXH thì liệu có bảo đảm công bằng hay không lại là một câu hỏi không dễ trả lời.
Bởi vậy, có lẽ vấn đề tăng hay giảm tuổi hưu lần này không nên là trọng tâm quá quan trọng của sửa đổi Luật Lao động. Vì việc tăng tuổi hưu không chỉ căn cứ vào ý chí của những người ngồi trong phòng lạnh thiết kế chính sách, mà còn phải căn cứ vào các đặc tính khác về thể trạng của người Việt Nam, đặc thù ngành nghề. Những người ngồi bàn giấy thậm chí còn có thể làm việc tới 80 tuổi. Lớp trẻ, động lực quan trọng của phát triển và sáng tạo liệu có thể làm tròn sứ mạng ấy không khi nếu tăng tuổi hưu thì “tre đã già” mà măng cứ mọc và không còn chỗ để lớn?
Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là công tác nhân sự phải trung thực với năng lực của người lao động. Không thể không tính đến điều này khi thỉnh thoảng báo chí và người dân vẫn phát hiện ra những trường hợp cán bộ “ngồi nhầm chỗ”. Không thể không quan tâm đến vấn đề này bởi mỗi khi một quan chức cấp cao bị phát hiện sai phạm vẫn đổ cho “nhận thức, trình độ và quy trình”. Không thể không để ý đến vấn đề này khi tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” vẫn tồn tại như một thách thức đối với tiến trình cải cách.
Bởi vậy, khẳng định lại một lần nữa, tăng hay giảm tuổi hưu không phải là vấn đề chính.