Hiện nay, điện mặt trời áp mái phát triển khá nhanh và thuận lợi hơn do các cơ chế chính sách thông thoáng thể hiện qua việc, Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển.
Tại hội nghị điện mặt trời áp mái cho doanh nghiệp ngày 22/8 tại Đăk Lăk vừa qua, các chuyên gia năng lượng của các thương hiệu hàng đầu thế giới đã tập trung thảo luận đánh giá và đưa ra những công nghệ, giải pháp tối ưu nhằm có những thông tin giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về hình thức đầu tư này.
Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hạch toán, thanh toán đối với điện mặt trời áp mái; thị trường điện mặt trời ở Việt Nam đã bước đầu hình thành và phát triển góp phần làm giá thiết bị điện mặt trời như inverter, tấm quang điện giảm khá nhiều; thông tin về điện mặt trời áp mái đã được quảng bá rộng rãi hơn.
Ngoài ra, EVN đã rất tích cực trong việc ban hành hướng dẫn, trình tự thủ tục lắp đặt, phối hợp với người dân trong quá trình lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Đầu tư phải đồng bộ
Theo ông Lê Hoàng Thông – Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng Lượng XT, hiện nay, điện mặt trời áp mái phát triển khá nhanh và thuận lợi hơn do các cơ chế chính sách thông thoáng thể hiện qua việc, Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển ngành điện mặt trời.
Phát biểu tại hội nghị, ông Thông cho biết: Việc lựa chọn hệ thống điện mặt trời áp mái đồng bộ, phù hợp như: tấm pin năng lượng mặt trời; bộ hòa lưới điện (inverter); khung giá đỡ; hệ thống đo đếm điện năng… không những tiết kiệm được chi phí, thời gian đầu tư mà còn giúp hệ thống hoạt động tối ưu, tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thị trường điện mặt trời áp mái hiện nay còn khá mới ở Việt Nam, do vậy nhà đầu tư nên cân nhắc, và nên lựa chọn thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới như: Jinko, Sungrow, Schletter… vì thương hiệu, sản phẩm này được nhiều nước trên thế giới tin dùng và có tuổi thọ cao.
Bên cạnh đó, “không phải tất cả gia đình, doanh nghiệp nào lắp đặt điện mặt trời áp mái đều thu được lợi ích như nhau. Để đảm bảo hiệu quả, các gia đình, doanh nghiệp cần cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố như: Vị trí nhà, xưởng có bị che bóng bởi nhà bên cạnh, nhà cao tầng, bóng cây, cột đèn, cột điện, chất lượng thiết kế, lắp đặt, thiết bị, đặc biệt là hệ thống điện áp mái phải đồng bộ, phù hợp” - ông Thông nói.
Ngoài ra, yếu tố đem đến thành công đầu tư dự án là cơ sở hạ tầng; lắp đặt và vận hành chạy thử hệ thống; vận hành và bảo trì hệ thống; đầu ra sản phẩm điện thành phẩm; tài chính dự án…
“Với nhiều năm kinh nghiệm và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực đầu tư năng lượng mặt trời, đặc biệt là đầu tư điện áp mái, XTL Solar đã xây dựng một chương trình đầu tư hệ thống năng lượng đồng bộ với công nghệ, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới cùng chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng trong suốt thời gian hoạt động của hệ thống. Đặc biệt là chính sách bảo hành sản phẩm 1 đổi 1”, ông Thông nhấn mạnh.
Tấm pin năng lượng quyết định hiệu quả hoạt động
Theo Tiến sĩ Vũ Thắng, đại diện cho tập đoàn Sungrow tại Việt Nam, là một chuyên gia đầu ngành được đào tạo tại Pháp nói rõ về chất lượng sản phẩm inverter: Lựa chọn loại inverter (Bộ nghịch lưu, chuyển đổi từ điện 1 chiều (DC) sang xoay chiều (AC)) có thể đáp ứng được các kiểu lưới điện khác nhau, đặc biệt những vùng có dải điện áp dao động cao, nhất là vào lúc nắng cực đại. Inverter sẽ dừng hoạt động nếu không có chất lượng tốt và dẫn đến làm mất doanh thu của nhà đầu tư.
Ngoài ra inverter cần phải có cấp độ bảo vệ cao và chống ăn mòn để có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt, ngay cả khi lắp ngoài trời, vùng ven biển... để tối ưu các chi phí thiết bị phụ trợ. Với inverter có chức năng hồi phục suy hao cho tấm panel (PID recovery), sản lượng điện của hệ thống sẽ không bị suy giảm nhiều sau thời gian hoạt động kéo dài.
Theo ông William - Giám đốc kinh doanh đại diện Đông Nam Á - Tập đoàn Schletter cho biết: một hệ thống điện mặt trời có tuổi thọ khoảng 30 năm. Do vậy các bộ phận cấu thành nên hệ thống phải có tuổi thọ tương đương và hoạt động đồng bộ lẫn nhau.
Theo ông Lê Gia Huấn – đại diện tại Việt Nam của Tập đoàn Jinko, cho rằng: tấm pin năng lượng mặt trời là bộ phận chính của hệ thống điện mặt trời, chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí đầu tư, đóng vai trò quyết định hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.
OCB tiên phong hỗ trợ tín dụng
Nhằm hỗ trợ cho khách hàng về mặt tín dụng những dự án đầu tư điện mặt trời áp mái, ngân hàng Phương đông (OCB) là một trong những đơn vị tiên phong hỗ trợ tín dụng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Ngọc – Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp – kiêm Giám đốc sở giao dịch ngân hàng Phương Đông cho biết: OCB luôn kiên trì với chiến lược phát triển an toàn và bền vững, OCB đã trải rộng hoạt động khắp các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam và liên tục phấn đấu vì mục tiêu “niềm tin và thịnh vượng”. Với 128 điểm giao dịch trên toàn quốc, OCB xin phục vụ khách hàng có nhu cầu về những dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch và thân thiện môi trường.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm: Điện mặt trời áp mái luôn là ưu tiên phát triển của OCB. Do thời gian hoàn vốn nhanh, hiệu quả đầu tư cao, tiến độ thi công nhanh, sử dụng diện tích các nhà xưởng, mái nhà sẵn có, giảm ô nhiễm môi trường, đáp ứng tiêu chí phát triển của OCB. Hiện nay, tổng nguồn vốn OCB cam kết tài trợ cho ngành điện là 10.000 tỷ đồng để phát triển năng lượng điện. Trong đó, đầu tư cho điện mặt trời khoảng 4.000 tỷ đồng. OCB cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ dự án đến 80% cho khách hàng là doanh nghiệp; hộ gia đình lắp hệ thống điện mặt trời áp mái.
Theo số liệu cập nhật từ EVN đến ngày 18/7/2019, có 9.314 khách hàng lắp đặt với tổng công suất 193 MWp, trong đó lắp đặt tại trụ sở các các đơn vị thuộc EVN là 6,57 MWp. Có 7.550 khách hàng gồm các hộ sinh hoạt với tổng công suất 40,46 MWp, các hộ tiêu thụ khác khoảng 1.560 khách hàng với tổng công suất 145,9 MWp. Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng giá bán điện 9,35 UScent/kWh đến hết năm 2021.