“Tường lửa” của Vietnam Airlines

Cáp Tần - Bất Nhị 27/06/2020 13:19

Vietnam Airlines chuẩn bị “tặng” cho Vietjet một đối thủ cùng phân khúc, hoàn toàn nằm dưới trướng của VNA...

p/VNA chuẩn bị “tặng” cho VJ một đối thủ cùng phân khúc, hoàn toàn nằm dưới trướng của VNA: Pacific Airlines.

VNA chuẩn bị “tặng” cho VJ một đối thủ cùng phân khúc, hoàn toàn nằm dưới trướng của VNA: Pacific Airlines.

Theo dự kiến, ngày 29/6 tới, VNA sẽ tổ chức Đại hội cổ đông, có Pacific Airlines trong tay, Vietnam Airlines có vũ khí để triển khai một “chiến lược tường lửa” lợi hại nhằm cản đường tiến của đối thủ khó chịu Vietjet Air trên thị trường nội địa.

Sau 13 năm, Jetstar lại trở về tên gọi thuở ban đầu Pacific Airlines và thành một thương hiệu con của Vietnam Airlines (VNA).

Chiến lược “tường lửa”

Đầu những năm 1980, ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ sang trọng phải chống chọi lại sự tấn công mãnh liệt của đồng hồ Nhật Bản. Nhờ lợi thế về công nghệ và sản lượng sản xuất, đồng hồ Nhật Bản có giá rất rẻ. Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ bất lực nhìn từng đoàn quân đồng hồ điện tử Nhật Bản giá rẻ ùa vào ngoạm hết thị phần.

Đứng trước bờ vực phá sản, cuối cùng các hãng đồng hồ Thụy Sĩ cũng tìm ra được chiêu thức phản công. Họ vạch ra một chiến lược, phân thế giới đồng hồ Thụy Sĩ thành 2 nhánh. Một nhánh đi xuống dưới, như Swatch, Tissot, làm những chiếc đồng hồ giá cực thấp, thậm chí không có lợi nhuận để đối đầu trực tiếp với đồng hồ giá rẻ Nhật. Những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ giá rẻ như một bức tường lửa, giữ người Nhật nằm im ở phân khúc thấp, bảo vệ lãnh địa cho nhánh thứ 2.

Nhánh thứ 2 của những Blancpain, Patek Philippe đi lên cao, làm ra những chiếc đồng hồ siêu cao cấp, tạo lợi nhuận đủ nuôi cả đế chế đồng hồ Thụy Sĩ. Chiến lược tường lửa thành công rực rỡ, chặn đứng cuộc xâm lăng của người Nhật, bảo vệ thị phần cho đồng hồ Thụy Sĩ.

Vietnam Airlines hiện chẳng khác gì hãng đồng hồ Thụy Sỹ, sẽ sử dụng Jetstar Pacific làm “tường lửa” để ngăn chặn đà xâm lăng của Vietjet Air (VJ).

“Tường lửa” Pacific Airlines

Theo số liệu từ Cục Hàng không tính đến nay, VietJet hiện nắm khoảng 42% thị phần, VNA nắm khoảng 45% thị phần, còn lại là của Bamboo Airways. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, VJ đã lấy được hơn 40% thị phần bằng phương pháp không mới nhưng rất khó đỡ: giá rẻ.

Số liệu đã cho thấy, giá rẻ đang thắng thế trên thị trường hàng không nội địa Việt Nam. Có thể nói, VJ là một cái gai không nhỏ trong mắt VNA.

Với định vị là một hãng hàng không hạng sang 4 sao, VNA không thể đua giá được cùng với VJ. Thành thử, VJ như đang một mình một cõi ở phân khúc giá rẻ, tung hoành như không có đối thủ. Bây giờ, VNA chuẩn bị “tặng” cho VJ một đối thủ cùng phân khúc, hoàn toàn nằm dưới trướng của VNA: Pacific Airlines.

VNA sẽ sử dụng Pacific như một “đồng hồ Thụy Sỹ giá rẻ” để kiềm chế VJ. Pacific có thể sẽ có giá rất rẻ, hoạt động thậm chí không lợi nhuận để “ép” VJ bước vào cuộc cạnh tranh về giá, trực tiếp giành giật thị phần của VJ. Chiến lược này sẽ khiến VJ phải tiêu hao nhiều nguồn lực hơn để giữ thị phần, giảm sức ép giữ thị phần cho VNA. Trong lúc đó, VNA sẽ đóng vai trò “đồng hồ Thụy Sĩ giá cao”, rảnh tay tập trung vào định vị của mình, lấy lợi nhuận bù lại cho Pacific.

Việc ứng dụng “tường lửa” vào hàng không không phải là mới. Có thể kể đến Singapore Airlines với Scoot, Qantas với Jetstar (Úc).

Còn về phía hành khách Việt, rất có thể trong thời gian tới sẽ có nhiều vé máy bay giá còn rẻ hơn cả “giá rẻ hàng ngày” trước đây nhờ cuộc đấu giữa “tường lửa” Pacific và Vietjet Air.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Tường lửa” của Vietnam Airlines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO