Cử tri Hà Nội là muốn làm rõ vấn đề chậm tiến độ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, để xảy ra việc đó thì ai là người chịu trách nhiệm? Thế nhưng câu trả lời lại rất... chung chung.
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về một số dự án đường sắt đô thị tại địa phương này, Bộ GTVT cho biết, với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án này chậm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã trễ hẹn đến lần thứ 8.
Trách nhiệm chưa rõ ràng
Theo đó, nguyên nhân chủ quan là do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết công năng nên phải điều chỉnh, bổ sung; chờ giải ngân vốn vay kéo dài; Tổng thầu EPC (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt TQ) thiếu kinh nghiệm làm tổng thầu, kinh nghiệm thiết kế, chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, nhưng chế tài xử lý chưa đầy đủ.
Còn nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do chậm giải phóng mặt bằng; ngoài ra quy định giữa Việt Nam và TQ khác nhau; Quy định hợp đồng EPC của Việt Nam chưa đầy đủ.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện dự án.
Cùng với đó, lạm phát trong giai đoạn thực hiện năm 2008 (CPI là 19,9%) và giai đoạn 2010-2011 (CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%), tổng tỷ lệ lạm phát của riêng 3 năm này đã là 49,83% (ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng).
Liên quan đến trách nhiệm, theo Bộ GTVT, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì Chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; Chủ đầu tư của phần GPMB (UBND thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác GPMB; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây đựng.
Bộ GTVT cũng thừa nhận, thời gian qua, mặc dù Bộ và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng Dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay Dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung Tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết nhằm đưa Dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 03/07/2019
11:00, 05/06/2019
16:10, 07/05/2019
02:35, 02/05/2019
00:01, 09/04/2019
00:00, 29/03/2019
20:00, 19/03/2019
00:00, 18/03/2019
00:10, 11/03/2019
Cần xử lý thật nghiêm
Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Chuyên gia giao thông cho rằng, câu trả lời từ phía Bộ GTVT chưa đủ sức thuyết phục đối với cá nhân ông và cử tri.
Theo đó, cử tri Hà Nội là muốn làm rõ vấn đề chậm tiến độ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, để xảy ra việc đó thì ai là người chịu trách nhiệm? Thế nhưng trong văn bản trả lời của Bộ GTVT chỉ nói về trách nhiệm của tổ chức, còn trách nhiệm cá nhận thì lại không đề cập tới.
Theo ông Liên, nếu nói Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án. Cần phải cho người dân biết rõ Ban quản lý chịu trách nhiệm như thế nào, cá nhân nào để xảy ra sai phạm?
Tương tự, việc chủ đầu tư của phần GPMB (UBND thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác GPMB; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng ai cũng biết cả, nhưng cá nhân nào phải chịu trách nhiệm nếu để chậm trễ trong công tác thi công. Đây mới là điều người dân muốn làm rõ chứ không phải là cách trả lời chung chung của Bộ GTVT.
"Liên quan đến sai phạm của nhà thầu Trung Quốc, chúng ta phải xử lý trách nhiệm thế nào bởi còn liên quan đến quan hệ quốc tế?" - ông Liên đặt câu hỏi.
Dù lãnh đạo Bộ GTVT nói, sẽ đưa Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vào vận hành thương mại sau 3-6 tháng vận hành thử. Cuối tháng 3/2019, khi kiểm tra dự án, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đưa dự án vào vận hành trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, tới nay, các mốc thời gian trên đều đã qua, dự án đã vận hành thử quá 7 tháng (từ 20/9/2018), vẫn chưa thể khai thác thương mại. Tới nay, thời gian cụ thể đưa dự án vào khai thác chính thức vẫn chưa bên nào dám khẳng định.
Trong khi đó, dự án càng kéo dài, chi phí đầu tư càng bị đẩy lên, vì phía Việt Nam phải trả lãi vay, chi phí cho nhân công (cả phía nhà thầu Trung Quốc và Việt Nam), chưa kể các chi phí cơ hội, tác động xã hội…
Chính vì vậy, việc dự án chậm tiến độ đã gây thiệt hại lớn cho Hà Nội và ngân sách Nhà nước, vì thế phải có người chịu trách nhiệm cụ thể. Để làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm tại dự án này thì phải qua quá trình kiểm điểm.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, đây là bài học lớn về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho những dự án trọng điểm ở Việt Nam. Cần phải chọn những nhà thầu có kinh nghiệm, có uy tín, trách nhiệm.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cũng cho rằng, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt. Trong trường hợp này, cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh.
“Hiện không rõ hợp đồng EPC của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào, nên người ngoài không thể nói gì được”, ông Long nói thêm.
Theo các chuyên gia giao thông, Bộ GTVT cần phải xử lý thật nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm để làm gương cho những dự án sau này. Nếu cứ để sự việc trôi qua trong bình yên, thì việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sẽ như "nước đổ lá môn".