Tuyên Quang hướng tới phát triển toàn diện, bền vững

THÙY LINH THỰC HIỆN 11/11/2020 10:36

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tuyên Quang luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và chú trọng.

Là tỉnh không có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nhưng Tuyên Quang đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Tuyên Quang phát triển toàn diện, bền vững. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tuyên Quang luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và chú trọng.

- Xin ông cho biết, điểm nhấn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tuyên Quang trong thời gian qua?

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Hằng năm, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành kịp thời các kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. UBND tỉnh cũng sát sao chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 139 của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành Đề án Phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới được ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính đã được tiến hành thường xuyên, qua đó những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã kịp thời được giải quyết, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh cũng được tập trung hỗ trợ. Đặc biệt, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng được công khai, minh bạch tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuận lợi.

 Lễ hội thành Tuyên - cơ hội lớn để Tuyên Quang quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, truyền thống văn hóa, lịch sử

Lễ hội thành Tuyên - cơ hội lớn để Tuyên Quang quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, truyền thống văn hóa, lịch sử

Sự lan tỏa của Chương trình Cà phê doanh nhân đã một phần làm thay đổi tư duy giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh với thành viên là Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND có cơ chế phối hợp hiệu quả. Đây là cơ sở góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính các sở, ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch.

Với sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chuyển biến tích cực. Tuyên Quang từ vị trí cuối bảng năm 2013, qua mỗi năm, chỉ số PCI đã liên tục thăng hạng. Năm 2019, Tuyên Quang xếp thứ 32 trên bảng xếp hạng, tăng 2 bậc so với năm 2018 (đạt 65.13 điểm) và nằm trong nhóm các tỉnh có điểm số khá.

- Hoạt động đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh Tuyên Quang triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Một trong những điểm sáng trong công cuộc cải cách, quyết tâm thăng hạng của tỉnh là sự ra đời và hoạt động của Chương trình Cà phê doanh nhân. Năm 2020 là năm thứ 7 Chương trình Cà phê doanh nhân được tỉnh tổ chức. Tại tất cả các cuộc gặp mặt này đều có sự đồng hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Thông qua chương trình, những vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, đồng thời chương trình còn giúp lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp bàn chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành (DCI) và khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Kết quả khảo sát là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ làm việc của các cán bộ, công chức trong việc phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh.

 Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

- Ông có thể cho biết một số kết quả trong thu hút đầu tư trên địa bàn? Những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Tuyên Quang trong giai đoạn tới?

Đến nay, Tuyên Quang đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn thực hiện dự án tại tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế của tỉnh như: Về nông nghiệp, Tập đoàn Dabaco đầu tư thực hiện dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; Về công nghiệp chế biến, Công ty Cổ phần Woodsland đầu tư thực hiện Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang; Về du lịch dịch vụ, Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang và Dự án Vinpearl Tuyên Quang; Tập đoàn khách sạn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang với tiêu chuẩn 4 sao…

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã lựa chọn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Cụ thể là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở để phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Để thực hiện mục tiêu này, Tuyên Quang sẽ tập trung vào những giải pháp gì thưa ông?

Để thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nhóm giải pháp thực hiện các khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp… trước mắt, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Từng cấp, từng ngành có những giải pháp điều hành kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là nguyên liệu, vốn kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tỉnh tiếp tục thu hút thêm các dự án mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có giá trị lớn, không để hồ sơ, đề xuất của doanh nghiệp bị chậm trễ, tồn đọng.

Cùng với việc quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Tuyên Quang tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án xây dựng 02 tuyến đường dọc sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; công trình xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô, thành phố Tuyên Quang; dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Tuyên Quang: Ông Chẩu Văn Lâm tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII

    Tuyên Quang: Ông Chẩu Văn Lâm tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII

    09:00, 15/10/2020

  • Tuyên Quang: Trở thành Trung tâm chế biến nông, lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc

    Tuyên Quang: Trở thành Trung tâm chế biến nông, lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc

    16:30, 14/10/2020

  • Tuyên Quang: Phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt

    Tuyên Quang: Phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt

    10:01, 17/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tuyên Quang hướng tới phát triển toàn diện, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO