Tuyên Quang đã và đang tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển và liên kết vùng, tạo động lực đưa Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông trong những năm qua, chủ trương liên kết vùng của Đảng và Nhà nước đã từng bước được hiện thực hóa, tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho các địa phương. Với Tuyên Quang vấn đề này được triển khai như thế nào?
Liên kết vùng nhằm phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên sinh thái xã hội và không gian chính sách, thể chế tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc trưng của vùng, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, Tuyên Quang đã ban hành các đề án, kế hoạch nhằm đẩy mạnh liên kết vùng với mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, phát triển xanh, bền vững và toàn diện, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại; tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/năm.
Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc lập và triển khai thực hiện Quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tập trung triển khai các giải pháp phát triển các lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong mối quan hệ vùng, đặc biệt là tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối vùng, liên vùng trong tỉnh và hệ thống giao thông quốc gia tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
- Để hướng tới mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng cao và Trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng, tỉnh đã đưa ra những giải pháp nào thưa ông?
Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng “Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”.
Tỉnh có điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho phát triển rừng, đặc biệt có đến 88% là lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Từ điều kiện tự nhiên, xã hội, đồng thời thực hiện có hiệu quả quyết sách của Chính phủ, tỉnh đã ban hành Nghị quyết phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực này.
Đến nay, ngành Lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng 190.000 ha; độ che phủ rừng đạt 65%, đứng thứ 3 cả nước; sản lượng gỗ khai thác đạt 900.000 m3/năm, đứng đầu cả nước về sản lượng khai thác gỗ rừng trồng; trồng mới trên 11.000 ha rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 48.318,5 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), cao nhất cả nước.
Rừng được cấp chứng chỉ FSC là "giấy thông hành" để đưa sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh ra thế giới. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40.000 lao động, chiếm 17% GRDP ngành nông lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh được áp dụng rộng rãi. Các chương trình hỗ trợ cây giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện hằng năm nhằm tạo ra những bước tiến nhanh trong sản xuất lâm nghiệp.
- Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng đến với Tuyên Quang, tỉnh đã đưa ra những giải pháp nào thưa ông?
Tỉnh Tuyên Quang luôn xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, vì vậy những năm qua, Tuyên Quang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng và nội tỉnh... Tuyên Quang sẽ khánh thành cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ trước 31/12/2023 và đẩy nhanh tiến độ cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang tạo kết nối nhanh và thông suốt với Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong vùng, đồng thời kết nối với cửa khẩu Thanh Thuỷ tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 8 nhà máy chế biến lớn với tổng nhu cầu nguyên liệu khoảng 1,2 triệu tấn/năm, như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất 1.300.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 680.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000 m3/năm… Các sản phẩm của một số công ty trên đã chinh phục được các thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang xây dựng được 1 trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống cây lâm nghiệp, cung ứng 20% nhu cầu cây giống cho Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng suất rừng trồng, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, sản xuất chuyên sâu đồ gỗ, kết nối sàn thương mại điện tử quốc tế để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2023, tổng GRDP của tỉnh Tuyên Quang ước tăng 7,46%, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc, đứng thứ 2/14 các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ và đứng thứ 18/63 các tỉnh, thành phố. |
Có thể bạn quan tâm