Tuyên Quang đã đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, chủ động gặp gỡ, đối thoại nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và chính sách đầu tư của tỉnh tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang với Diễn đàn Doanh ngiệp.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về những điểm nhấn trong cải cách của Trung tâm nhằm góp phần xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng?
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (XTĐT) tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh xây dựng, tiến hành khảo sát và công bố đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh (DDCI). Đặc biệt, từ năm 2021, Trung tâm và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện khảo sát chỉ số DDCI theo hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số. Việc thực hiện phương pháp khảo sát trực tuyến bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, tổng hợp kết quả nhanh chóng, chính xác và trung thực.
Trung tâm cũng chủ động phối hợp VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng khảo sát, đánh giá chấm điểm chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan. Phối hợp xây dựng các chuyên đề hàng năm nhằm tuyên truyền, giới thiệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, những sáng kiến, giải pháp tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần nâng cao Chỉ số PCI.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp. Thông qua chương trình "Cà phê doanh nhân", các hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cải thiện các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Từ đầu năm đến 31/10/2023, tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 108 hồ sơ dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; có 08 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 19.911 tỷ đồng đồng (trong đó có 02 dự án FDI, 01 dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, vốn đầu tư 18.200 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư); có thêm 09 dự án hoàn thành đưa vào sản xuất, lũy kế có 267/398 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, chiếm 67% tổng dự án được cấp chủ trương đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.
- Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư Tuyên Quang đã đưa ra các giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, đặc biệt là cải thiện Chỉ số PCI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 02-CT/TU về đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; UBND tỉnh hàng năm cũng đã xây dựng Kế hoạch chi tiết, có lộ trình về nâng cao Chỉ số PCI.
Gần đây nhất, ngày 29/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 - 2024. Mục tiêu năm 2023 Chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 20 bậc trở lên trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, trở lại nhóm các tỉnh có điểm số khá.
Theo đó, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu: Chính quyền minh bạch, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần "đồng hành cùng doanh nghiệp". Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần "hỗ trợ - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình". Quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích...
- Vậy, Trung tâm đã đưa ra các giải pháp gì nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch?
Thời gian tới, Trung tâm XTĐT tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư, giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm giới thiệu các chương trình, dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, ưu tiên các công trình, dự án quan trọng, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Cùng với việc tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, Trung tâm cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng hợp tác đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên trang thông tin điện tử XTĐT của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử do Trung tâm quản lý…
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về quy trình, thủ tục đầu tư; gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI triển khai bộ Chỉ số DDCI, khảo sát, đánh giá cảm nhận, chấm điểm của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn...
Trung tâm cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tổ chức các chương trình công tác đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương xếp thứ hạng cao về PCI để đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chung của tỉnh.
- Xin thành cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm