Wechat đã rất thành công với phương pháp tư duy thiết kế lớn mà các doanh nghiệp khác có thể xem xét vận dụng để nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo của mình.
Đến nay, mỗi ngày có hơn 45 tỷ tin nhắn được gửi thông qua WeChat. Đây cũng là công ty hàng đầu về
thanh toán di động với hơn 800 triệu người dùng WeChat Pay. Ngoài ra, Công ty này còn cung cấp các dịch vụ tích hợp khác, như các ứng dụng gọi taxi, đặt chỗ nhà hàng, đặt chỗ xem phim và bán lẻ trong nền tảng của mình.
TIẾP CẬN TƯ DUY THIẾT KẾ LỚN
Wechat không dễ dàng có được thành công như hôm nay, mà đã phải đối phó với hàng chục đối thủ cạnh tranh trong nước. Trên thực tế, WeChat đã rất sáng tạo khi cung cấp những trải nghiệm mới cho người dùng vượt trội so với các đối thủ ở phương Tây. Chính các tính năng sáng tạo của Wechat đã và đang được nhiều doanh nghiệp khác vận dụng để làm tăng trải nghiệm cho người dùng của họ.
Một nghiên cứu gần đây của Julian Birkinshaw (Harvard Business Review, 2019) về Wechat cho thấy, thành công của doanh nghiệp này nhờ sự vượt trội về công nghệ, được xây dựng dựa trên tầm nhìn - hay phương pháp tiếp cận tư duy thiết kế lớn của Allen Zhang, Giám đốc điều hành cấp cao. Cá nhân ông đã lãnh đạo và định hình sự phát triển của WeChat và chịu trách nhiệm về giao diện chính của sản phẩm, cũng như giám sát các nhóm lập trình viên.
Tư duy thiết kế lớn khác biệt hẳn so với cách tiếp cận tư duy thiết kế tiêu chuẩn được phổ biến bởi công ty thiết kế IDEO trong những năm 1990. Tư duy thiết kế là một quá trình lặp, phi tuyến tính nhằm tìm hiểu người dùng, đứng dưới góc độ người dùng để thấu hiểu các vấn đề của họ, xác định các vấn đề và tạo ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề. Quan điểm lấy người dùng làm trung tâm này đã giúp phương pháp tư duy thiết kế trở nên phổ biến, nhưng một số chuyên gia cho rằng cách tiếp cận này quá cấu trúc, quá khuôn mẫu và có nguy cơ dẫn đến kết quả đầu ra không đủ để tạo ra sự đổi mới đột phá.
Ngược lại, cách tiếp cận mới với tư duy thiết kế lớn có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra sự đổi mới đột phá. Theo cách tiếp cận này, một sản phẩm hoặc dịch vụ mới sẽ được thiết kế, cải tiến và điều chỉnh đến khi nhà đổi mới cảm thấy hài lòng trước khi được phát triển và thương mại hóa đến người dùng.
Phương pháp tư duy thiết kế lớn có thể hiệu quả hơn tư duy thiết kế trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt khi thị trường đang trong giai đoạn hình thành ban đầu của sự phát triển.
“CHIÊU THỨC” ĐỂ ĐỜI
Nhóm nghiên cứu về WeChat đã khám phá ra bốn nguyên tắc chính của phương pháp tư duy thiết kế lớn mà các doanh nghiệp có thể tham khảo để nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo của mình.
Thứ nhất là thay đổi quan điểm thiết kế sản phẩm theo hướng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hơn là một sản phẩm thương mại. Trong khi tư duy thiết kế bắt đầu từ những mong muốn của người dùng để tìm cách tạo ra các giải pháp thực tế, khả thi về mặt công nghệ và kinh tế để thoả mãn họ, thì tư duy thiết kế lớn lại bắt đầu từ một khái niệm, một tầm nhìn trong tâm trí của nhà đổi mới sáng tạo.
Allen Zhang đã mô tả sản phẩm WeChat ở giai đoạn đầu như là một tác phẩm nghệ thuật và ông cố gắng giữ cho Wechat trở nên đơn giản và gọn gàng với chỉ bốn biểu tượng chức năng: Chat, Contacts, Discover, Me. Không giống như Facebook hay LinkedIn, người dùng WeChat chỉ được cho thấy tối đa hai quảng cáo mỗi ngày thông qua tính năng Moments.
Thứ hai là đáp ứng các nhu cầu của người dùng một cách có chọn lọc. Trọng tâm của tư duy thiết kế là sự đồng cảm với người dùng, đó là khả năng nhìn thế giới qua mắt người dùng để xem những gì họ nhìn thấy và trải nghiệm mọi thứ khi họ làm.
Sự đồng cảm với người tiêu dùng là nền tảng đảm bảo cho sự đổi mới sáng tạo có tính ứng dụng cao, nhưng cũng có thể làm cho sản phẩm trở nên phức tạp và mất sự gắn kết nếu tất cả các nhu cầu của khách hàng được xem xét và chuyển hoá vào sản phẩm. Để đảm bảo sản phẩm gắn kết giữa các tính năng, các nhà đổi mới sáng tạo áp dụng tư duy thiết kế lớn và chỉ đáp ứng một số nhu cầu của người dùng một cách có chọn lọc.
Thứ ba là quản lý quá trình phát triển sản phẩm từ trên xuống. Một đặc điểm quan trọng khác của tư duy thiết kế là nhấn mạnh vào sự hợp tác, nhiều người theo phương pháp này cho rằng những ý tưởng tốt xuất hiện thông qua một quá trình thảo luận, nơi mọi người xây dựng sản phẩm dựa trên các đề xuất khác nhau của các thành viên, không có chỗ cho những cái tôi lớn trong tư duy thiết kế.
Ngược lại, cách tiếp cận tư duy thiết kế lớn mang lại ít tự do hơn cho tập thể và đặt nhiều niềm tin hơn vào năng lực cá nhân của một số ít người ở cấp trên cùng của tổ chức.
Thứ tư là lãnh đạo với niềm tin chắc chắn. Các phong cách lãnh đạo cần thiết cho tư duy thiết kế và tư duy thiết kế lớn cũng khác nhau. Tư duy thiết kế phù hợp với một phong cách lãnh đạo huấn luyện, nắm tay hướng dẫn khi cần thiết nhưng họ cũng sẽ rút lui khi đội bắt đầu hoạt động ổn định.
Ngược lại, tư duy thiết kế lớn đặt các nhà lãnh đạo lên “bệ”, họ sẽ giới thiệu thiết kế mà họ đang theo đuổi và sau đó liên tục thể hiện một niềm tin chắc chắn về lý do tại sao nó đúng và vì sao mọi người nên làm theo.