Tỷ giá tăng "chóng mặt" do đâu?

Diendandoanhnghiep.vn Trong những ngày qua, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã liên tục được điều chỉnh tăng. Điều gì dẫn đến những biến động này trên thị trường ngoại tệ?

Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá tăng?

Tỷ giá USD/VND đã tăng liên tục những ngày qua.

Trong ngày 29/5, tỷ giá USD/VND của Vietcombank niêm yết ở mức 22.820 – 22.890 đồng, tăng 35 đồng so với buổi sáng. Trước đó trong ngày 28/5, tỷ giá USD/VND của nhà băng này cũng đã tăng 20 đồng.

Trong khi đó, BIDV niêm yết tỷ giá USD/VND thấp hơn của Vietcombank 10 đồng, ở mức 22.810 – 22.880 đồng và tăng 30 đồng so với buổi sáng ngày 29/5.

Trong số các ngân hàng TMCP Nhà nước, VietinBank niêm yết tỷ giá USD/VND rẻ nhất, với giá mua vào ở mức 22.804 đồng và bán ra tại 22.874 đồng, tăng 24 đồng mua vào và 14 đồng bán ra, sau khi đã có bước điều chỉnh tăng vào đầu giờ sáng ngày 29/5.

Ở nhóm NHTMCP tư nhân, tỷ giá tại ngân hàng ACB gần cuối phiên giao dịch ngày 29/5 ở mức 22.810 – 22.880 đồng. Trong ngày, ngân hàng này đã điều chỉnh tỷ giá tới gần 30 lần, trong đó giữa buổi chiều có thời điểm tỷ giá USD cũng lên 22.820 – 22.880 đồng.

Eximbank cũng đã có 20 lần điều chỉnh tỷ giá ngày 29/5. Trong phiên đầu giờ chiều cùng ngày, có thời điểm Eximbank cũng điều chỉnh tỷ giá giảm về 22.780 – 22.870 đồng nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh tăng trở lại theo xu hướng thị trường.

Sacombank chỉ điều chỉnh tăng 10 đồng so với buổi sáng 29/5, nhưng là ngân hàng đang có tỷ giá ở mức cao nhất thị trường, với chiều bán ra 22.895 đồng, mua vào 22.813 đồng.

Tại các ngân hàng khác, tỷ giá USD/VND cũng được điều chỉnh liên tục trong ngày 29/5, mức tăng phổ biến 20 – 50 đồng so với ngày 28/5. Điều đáng lưu ý, tỷ giá ở các ngân hàng đã tăng suốt từ giữa tuần trước tới nay, hiện mức tăng tổng cộng đã trên dưới 90 đồng là các mức tăng rất mạnh.

Không chỉ tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại tăng mà tỷ giá trung tâm cũng được NHNN điều chỉnh tăng liên tục trong các phiên vừa qua, ngày 29/5 đã lên 22.605 đồng. Với mức này, tỷ giá trần và tỷ giá sàn mà các NHTM được phép áp dụng là 23.283 đồng và 21.926 đồng.

Nhận định về sự tăng tỷ giá này, các chuyên gia cho rằng tỷ giá tăng chủ yếu do tâm lý lo ngại áp lực lên tỷ giá sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là sau khi có số liệu về CPI tháng 5 năm nay có mức tăng mạnh nhất trong số các tháng 5 của 6 năm trở lại đây. Ngoài ra, sự mạnh lên của USD cũng là nguyên nhân chính đẩy tỷ giá USD/VND tăng thời gian qua.

Theo TS. Phan Minh Ngọc- Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore), sự biến động của tỷ giá là khó tránh khỏi. NHNN  trong thời gian qua đã hoàn toàn có đủ khả năng ổn định tỷ giá tiền đồng. Quỹ dự trữ ngoại hối đã được bổ sung liên tục đủ để can thiệp thị trường ngoại tệ trong phạm vi vài tỷ USD mà không làm ảnh hưởng quá lớn đến "sức khỏe" của quỹ này.

Ngoài ra, NHNN còn có sẵn một vài công cụ để siết tỷ giá nếu xét thấy cần thiết, chẳng hạn quy định siết chặt hơn việc vay mượn bằng ngoại tệ. Hiện NHNN tiếp tục gia hạn cho các đối tượng được phép vay mượn bằng ngoại tệ, dẫn đến tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng trưởng mạnh hơn tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá trung tâm cũng cho phép NHNN "trói" tỷ giá tại các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn.

Ông Ngọc khẳng định, nhìn rộng ra, sự khan hiếm tương đối của USD hiện tại dường như là hiện tượng mới có, với bằng chứng là tỷ giá trên thị trường tự do đã và đang không chênh lệch quá lớn so với tỷ giá của các ngân hàng thương mại. Điều này có nghĩa là tỷ giá chưa bị dồn nén quá mức, nếu có, dẫn đến rủi ro là khi không kiểm soát được thì sẽ bùng lên như những năm trước.

Tuy vậy, việc NHNN không có dấu hiệu can thiệp tỷ giá, thậm chí còn có xu hướng thuận theo xu hướng của thị trường khi cũng điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cho thấy dường như NHNN đã lựa chọn phương án để tiền đồng yếu đi ở mức độ nhất định so với USD.

Thống kê cho thấy trong vòng 5 tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng lượng tiền khổng lồ, lên đến 147.800 tỷ đồng (riêng tuần qua là 20.200 tỷ đồng, so với 58.100 tỷ đồng tuần trước đó). Điều này chứng tỏ đã có sự dư thừa lớn về thanh khoản tiền đồng trong thời gian dài, không chỉ gây áp lực lên lạm phát mà có thể là tỷ giá, vì nhà đầu tư có nhiều hơn một lượng tiền đồng sẵn sàng đổi lấy một lượng USD có sẵn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc Fed tăng lãi suất cơ bản trong thời gian qua, và có thể tăng lãi suất vào tháng 6 sắp tới, cũng làm tăng cầu USD ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để đầu tư vào Mỹ và/hoặc các tài sản tài chính niêm yết bằng USD. Như vậy, xét tổng quát về cung cầu USD trong thời gian qua tại Việt Nam, có thể nhìn thấy rõ áp lực làm tỷ giá tăng hơn là ổn định.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tỷ giá tăng "chóng mặt" do đâu? tại chuyên mục Tín dụng - Ngân hàng của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714099644 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714099644 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10