Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng quốc doanh cải thiện vì đâu?

Hà Anh 12/06/2019 05:01

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 4/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước đã được cải thiện so với cuối năm 2018.

fgwefg

VietinBank vừa được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn.

Chuyển động ngược chiều

NHNN Việt Nam vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống TCTD. Theo đó tính đến cuối tháng 4/2019, tổng tài sản của toàn hệ thống các TCTD tăng 1,36% so với cuối năm 2018 lên 11.214.678 tỷ đồng. Trong đó khối NHTM có vốn Nhà nước vẫn đang dẫn đầu về quy mô tài sản với 4.929.765 tỷ đồng (tăng 1,37%); kế đó là khối NHTMCP với 4.629.867 tỷ đồng (tăng 1,64%). Tuy nhiên dù vẫn đứng thứ ba về quy mô tài sản, song tổng tài sản của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài giảm 1,03% trong 4 tháng đầu năm, xuống 1.124.962 tỷ đồng.

Không chỉ tổng tài sản mà vốn tự có và vốn điều lệ của toàn hệ thống cũng tăng. Trong đó, vốn tự có của toàn hệ thống tăng khá mạnh tới 5,66% trong 4 tháng đầu năm lên 851.795 tỷ đồng. Hiện dẫn đầu về vốn tự có vẫn là khối NHTMCP, với 352.305 tỷ đồng (tăng 4,18% so với cuối năm 2018); tiếp đó là khối NHTM Nhà nước với 282.199 tỷ đồng (tăng 5,06%); khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài đều xếp thứ ba với 177.037 tỷ đồng (tăng 8,70%).

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ “nút thắt” tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh

    Gỡ “nút thắt” tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh

    04:30, 20/03/2019

  • Áp lực đảm bảo an toàn vốn ngân hàng

    Áp lực đảm bảo an toàn vốn ngân hàng

    04:30, 28/12/2018

  • Vì sao hệ số an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng sụt giảm nhanh?

    Vì sao hệ số an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng sụt giảm nhanh?

    10:11, 26/12/2017

  • “Sức khỏe” ngân hàng qua tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

    “Sức khỏe” ngân hàng qua tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

    16:34, 03/03/2017

Vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng cũng tăng 1,05% lên 582.379 tỷ đồng. Hiện dẫn đầu về vốn điều lệ cũng là khối NHTMCP với 268.872 tỷ đồng (tăng 0,61% so với cuối năm 2018); tiếp đó cũng là khối NHTM Nhà nước với 149.001 tỷ đồng (tăng 0,75%) và khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài với 116.619 tỷ đồng (tăng 2,76%).

Do vốn tự có tăng với tốc độ nhanh hơn nên tỷ lệ CAR của toàn hệ thống được cải thiện lên 12,19% từ mức 12,14% của thời điểm cuối năm 2018. Trong đó, CAR của khối NHTM Nhà nước tăng tương ứng từ 9,54% lên 9,61%; khối ngân hàng liên doanh nước ngoài tăng từ 25,88% lên 25,90%. Tuy nhiên, CAR của khối NHTMCP lại giảm từ 11,24% xuống còn 11,10%. Điều đó cho thấy, mức độ rủi ro tài sản của khu vực NHTMCP có xu hướng tăng.

Cải thiện không bền vững

Sở dĩ CAR của các ngân hàng quốc doanh cải thiện do các ngân hàng quốc doanh kiềm chế tăng quy mô tổng tài sản. Đơn cử BIDV chỉ tăng trưởng tín dụng 3,6% trong quý đầu năm nay, trong khi tín dụng của VietinBank còn tăng trưởng âm tới 0,4%.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt tốc độ tăng tín dụng, các ngân hàng quốc doanh còn tích cực phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Đơn cử VietinBank vừa được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.

Một giải pháp nữa là một số ngân hàng thoái vốn khỏi các ngân hàng khác. Trong đó, điển hình là thương vụ thoái toàn bộ 15.121.635 cổ phiếu mà VietinBank nắm giữ tại SaigonBank hồi cuối tháng 3 vừa qua. Thương vụ này đã giúp VietinBank thu về tới hơn 304 tỷ đồng để bổ sung vào vốn tự có, trong đó có khoản thặng dư vốn là khoảng 153 tỷ đồng.

Ngoài ra, không thể không nhắc việc các ngân hàng quốc doanh tiếp tục thu lợi nhuận lớn trong những tháng đầu năm. Báo cáo tài chính quý 1/2019 cho thấy, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế tới hơn 5.878 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 34,84% so với cùng kỳ năm trước; BIDV cũng đạt lợi nhuận trước thuế 2.521 tỷ đồng. Ngay cả VietinBank, dù tín dụng tăng trưởng âm, song lợi nhuận trước thuế vẫn đạt tới 3.153 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, sự cải thiện CAR của các ngân hàng quốc doanh chưa thực sự bền vững. Đơn cử việc hạn chế tăng quy mô tổng tài sản về lâu dài sẽ khiến các ngân hàng mất đi khách hàng và suy giảm lợi thế cạnh tranh, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà băng. Trong khi lợi nhuận cao mà các ngân hàng thu được trong thời gian qua cũng chỉ là nhất thời do NIM của hệ thống đang có xu hướng giảm… “Để CAR được cải thiện bền vững đòi hỏi các ngân hàng cần phải tăng vốn điều lệ”, vị này cho biết và nhấn mạnh, tăng vốn điều lệ càng trở nên cấp thiết khi mà CAR của khối NHTM Nhà nước hiện vẫng đang thấp nhất trong hệ thống và chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng tối thiểu là 9% theo quy định của NHNN.

Thậm chí theo Hiệp hội Ngân hàng, tuy đã áp dụng đồng bộ và tối đa các biện pháp, nhưng các NHTM có vốn Nhà nước (trừ Vietcombank) vẫn chưa đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel II. Bởi vậy, Hiệp hội Ngân hàng vừa có văn bản kiến nghị Nhà nước cho phép các NHTM Nhà nước được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng quốc doanh cải thiện vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO