Áp trần tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài (Kỳ I): Cần thiết....nhưng phải thận trọng

Diendandoanhnghiep.vn Thời gian tới, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có thể được khống chế ở mức 20 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đó là một nội dung đáng chú ý được đưa ra tại Dự thảo Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Diễn đàn doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi cùng với TS. Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Quan điểm của ông như thế nào về việc khống chế mức trần tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài ở mức 20-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội?

Trước tiên chúng ta phải thấy được quy định này là sự cần thiết. Hơn 30 năm qua Việt Nam đã có đầy đủ kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài. Mục đích của đề án lần này là định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư FDI đến năm 2030. Đề án này là việc tiếp tục những công việc mà chúng ta đã làm trong thời gian qua.

Trong năm 2013, sau khi Việt Nam tổng kết 25 năm thu hút FDI vào tháng 6, tới tháng 8 Chính phủ ra Nghị quyết số 103 ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới. Trong Nghị quyết này cũng đã nghiên cứu sâu, cụ thể, các vấn đề liên quan đến hoạt động thu hút FDI trong 25 năm qua. Thậm chí, Chính phủ đã ban hành 81 đề án cho tất cả các Bộ, Ngành địa phương liên quan rất chi tiết về nhiệm vụ của các Bộ.

Rõ ràng Nghị quyết này đã có tác dụng thực sự. Cụ thể, trong 5 năm vừa qua, giai đoạn 2013-2018, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển không thể không tránh khỏi những tồn tại.

Với dự thảo Đề án mới lần này, tầm nhìn của đề án không quá dài và được xây dựng căn cứ vào những thực tiễn hiện nay, những biến động khó lường của bối cảnh thế giới, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể xác định được những nhiệm vụ cụ thể.

Ví dụ như việc xác định khống chế mức trần tỷ lệ 20-25% của dòng vốn FDI tại Việt Nam trong giai đoạn tới tôi cho là một đề xuất hết sức phù hợp với các đánh giá về nhận thức của chúng ta đối với đầu tư nước ngoài. Có lẽ đề xuất này dựa trên những cơ sở thực tiễn mà chúng ta đang phải đối mặt đó là sức cạnh tranh của đầu tư nước ngoài đang lấn át đầu tư trong nước.

Hai là, khi vốn FDI quá cao có thể mất quyền chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam và chúng ta rất khó có thể xây dựng nền kinh tế tự cường. Ở góc độ nào đó nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ nữa thì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, chủ quyền kinh tế, lãnh thổ quốc gia… Vì vậy, tôi thấy quy định là phù hợp.

Tuy nhiên, việc quy định tỷ lệ vốn đầu tư FDI là vấn đề cực kỳ quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư sắp tới cũng như sự cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Vì vậy, cách tiếp cận để đưa ra quyết định đâu là tỷ lệ phù hợp cần phải có cách tiếp cận toàn diện, cụ thể, khoa học.

- Ông phân tích rõ hơn điều này?

Toàn diện, để có được một quyết định đúng đắn về tỷ lệ thì chúng ta phải đánh giá chung trong bối cảnh thế giới về dòng vốn quốc tế. Chúng ta thấy biến động của tình hình kinh tế chính trị của thế giới là hết sức là nhanh, khó tiên đoán. Bên cạnh đó thì nền kinh tế thế giới và các nước hiện nay phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia. Thêm nữa, là hiện tượng bảo hộ cũng đang có xu hướng tăng dần lên. Sự áp đặt cạnh tranh, và thâu tóm của các nền kinh tế lớn với các nền kinh tế nhỏ vẫn đang hiện hữu, xu thế hoà bình, chiến tranh vẫn còn đang xen nhau...

Cho nên, để có được một quyết định phù hợp, chúng ta phải cân nhắc một cách toàn diện các yếu tố như vừa phân tích. Để từ đó có thể đưa ra được một quyết định phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và cũng vừa phù hợp với điều kiện thế giới sẽ có tác động tích cực, vừa thúc đẩy mang lại hiệu quả vừa ngăn chặn vừa đề phòng.

Cụ thể, căn cứ vào thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Tổng kết về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam vừa qua phát triển như thế nào, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 103 của Chính phủ xem 81 đề án đã thực hiện như thế nào, kết quả đến đâu? Tại sao 5 năm trước chúng ta không đề ra tỷ lệ, mà bây giờ chúng ta mới đề ra tỷ lệ đầu tư nước ngoài trong vốn đầu tư toàn xã hội?

Trước đây chúng ta cố gắng tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, thực tế lại cho thấy có sự mất cân đối trong tỷ lệ giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau.

Một số ngành nghề lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có năng lực tự thực hiện rồi, mặc dù chưa đạt được 100% như tiêu chuẩn quốc tế song cũng đã được 80-90% thì có nên thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực đó nữa không, hay phải có những chính sách, cách giải quyết tiếp cận như thế nào để vừa đảm bảo được tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, vừa đảm bảo quan hệ quốc tế, vừa đảm bảo được vị thế hình ảnh Việt Nam cởi mở thu hút và sẵn sàng hợp tác với tất cả đối tác trên thế giới. Điều này rất là khó. 

Cho nên, tôi cho rằng, đặt ra mức khống chế tỷ lệ là hợp lý nhưng với mức bao nhiêu và áp dụng cho tổng thể hay riêng từng ngành nghề, lĩnh vực thì cần phải thận trọng. 

Kỳ II: Quy định như thế nào là phù hợp?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Áp trần tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài (Kỳ I): Cần thiết....nhưng phải thận trọng tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714057308 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714057308 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10