Trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư lớn,ngân sách nhà nước có hạn, vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp, mô hình đầu tư PPP có khả năng như một đòn bẩy để huy động nguồn lực.
Cụ thể, trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của mỗi địa phương nói riêng, trong khi đó, ngân sách nhà nước hiện nay có hạn, vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp, mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) có khả năng như một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tư nhân cả trong và ngoài nước.
Việc đầu tư theo hình thức PPP hiện nay đang được Chính phủ khuyến khích thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường. Và mới đây nhất, Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Đầu tư Huy Ngọc Hưng đã được UBND tỉnh An Giang lựa chọn thông qua đấu thầu công khai đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đối tác công tư (PPP).
“Mỗi doanh nghiệp sẽ là một đại sứ”
Trong cuộc trao đổi với DĐDN về quan điểm của An Giang trong vấn đề tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư, đặc biệt là hình thức đầu tư PPP - ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói rõ: “An Giang luôn ủng hộ và đồng hành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp theo phương châm “trách nhiệm và thân thiện…”. Ngoài ra, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả; Minh bạch hóa các chính sách phát triển KT-XH, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…
Có thể bạn quan tâm
17:03, 01/08/2019
16:53, 01/08/2019
15:28, 01/08/2019
15:19, 01/08/2019
“Chúng tôi xác định sẽ luôn đồng hành, để doanh nghiệp có điều kiện khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng An Giang trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư với phương châm: Thủ tục nhanh gọn - kinh doanh an toàn - đầu tư hiệu quả - phát triển vững bền” - ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định. Đồng thời cho biết, mỗi doanh nghiệp sẽ là một đại sứ để quảng bá hình ảnh, tạo động lực thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp từ các nơi về An Giang đầu tư và hợp tác sản xuất kinh doanh.
Tự tin trước mục tiêu lớn
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn, cụm Long Xuyên, An Giang theo hình thức đối tác công tư PPP. Thông qua đó, ông Bình cũng đã nhấn mạnh: “Chưa thể khẳng định “công tắc” PPP là chiếc chìa khóa vạn năng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hình thức này đang được đánh giá là “lựa chọn hợp lý nhất”.
Chia sẻ với DĐDN, ông Huỳnh Minh Tấn - CTHĐQT công ty Huy Ngọc Hưng cho biết: “Chúng tôi tự hào vì đơn vị được thực hiện dự án đầu tiên cả nước trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn theo hình thức đối tác công tư PPP”. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 229.440 triệu đồng với công suất 300 tấn/ngày đêm; diện tích sử dụng gần 80.000 m2; giá dịch vụ khoảng 379.000 đồng/tấn. Theo đó, công nghệ tham gia đấu thầu là do Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường EnviC sáng chế ra, có nhiều năm nghiên cứu thành công và được áp dụng ở một số tỉnh thành phía Bắc. Công ty Huy Ngọc Hưng là người ký độc quyền phát triển công nghệ này ở các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
Ông Tấn cũng cho biết thêm về hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn: Đây là sự lựa chọn tối ưu của lãnh đạo Tỉnh An Giang, bởi vì qua hình thức này chủ đầu tư là UBND tỉnh có những lợi ích như: Là bên đề xuất dự án đầu tư nên chủ động lựa chọn công nghệ tối ưu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Đồng thời, lập và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư…, dựa trên cơ sở theo đúng quy định của pháp luật.
Do qui định “khống chế” tổng mức đầu tư và giá thành xử lý rác (theo QĐ số: 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng), suất đầu tư tính trên một tấn rác (công nghệ đốt) là khá thấp so với hình thức đầu tư khác. Và cũng do xuất đầu tư thấp nên giá dịch vụ xử lý rác không thể cao hơn 17 USD/tấn, trong khi đó ở nhiều địa phương là trên 20 USD/tấn. Như vậy, tỉnh An Giang đã tiết kiệm ngân sách mỗi năm cả chục tỷ đồng, còn đối với địa phương có lượng rác nhiều như TP HCM thì hàng năm có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nếu áp dụng hình thức đầu tư này... Ngoài ra, cũng chính do chi phí đầu tư thấp nên thời hạn đầu tư sẽ được rút ngắn xuống còn 1/2 lộ trình (24 năm so với thông thường là 49 năm). Đây là điều kiện rất quan trọng vì có liên quan đến phí dịch vụ thu của người dân và sự tiếp cận tiến bộ của Khoa học Kỹ thuật.
Bên cạnh đó, hình thức đầu tư PPP với loại hình hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) có nghĩa là sau thời hạn đầu tư (24 năm) thì nhà đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ nhà máy gồm có cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị lại cho chủ đầu tư là UBND tỉnh quản lý. Riêng với doanh nghiệp thì hình thức đầu tư này do chi phí đầu tư được “khống chế” mức thấp nên có điều kiện để tham gia. Theo đó, loại hình kêu gọi đầu tư theo hình thức khác ở một số địa phương khác có tổng mức đầu tư quá cao nên doanh nghiệp trong nước khó có điều kiện tham gia nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ hình thức kêu gọi đầu tư PPP của UBND tỉnh An Giang nên những doanh nghiệp có tiềm lực khiêm tốn như công ty Huy Ngọc Hưng mới có điều kiện tham gia và trúng thầu, ông Tấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tấn: “Công nghệ của chúng tôi đã được áp dụng thành công tại nhiều địa phương và được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận là công nghệ phù hợp, đạt tiêu chí về môi trường, được Bộ KH&CN chấm điểm với thang điểm cao nhất so với các loại công nghệ xử lý rác thải trong nước”. Ngoài ra, công nghệ của chúng tôi là công nghệ đốt có thu hồi nhiệt, khi công suất xử lý rác thải đạt mức 500 tấn/ngày chúng tôi sẽ lắp thêm hệ thống phát điện để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, giảm giá dịch vụ xử lý. Như đã nói ngoài yêu cầu về những công nghệ hiện đại thì hệ thống xử lý đó phải phù hợp với điều kiện sống cũng như nguồn rác thải của từng địa phương.
“Hy vọng thời gian tới, đơn vị chúng tôi sẽ còn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình từ phía chính quyền và người dân để tự tin hoàn thành tốt trọng trách được giao phó. Ngoài ra, đơn vị cũng mong Nhà nước sớm ban hành Luật đầu tư theo hình thức PPP để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dự án đầu tư theo hình thức này ở một số lĩnh vực khác” - ông Tấn kiến nghị.