Theo văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký Chỉ thị về việc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.
Đồng thời, rà soát thống kê mức độ thiệt hại về nhà ở, nông nghiệp, chăn nuôi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra…
Chủ động sử dụng ngân sách địa phương
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ vừa qua tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Các địa phương cần chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi…
Bên cạnh đó, qua các đợt bão, lũ vừa qua cho thấy công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể, kịp thời khắc phục để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân và tài sản của xã hội.
Khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2020 - 2021 đảm bảo đạt hiệu quả, năng suất cao, gắn với khắc phục thiệt hại về giao thông nội đồng, thủy lợi, bồi lấp diện tích canh tác; cải tạo đồng ruộng, đồng thời có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp; Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị khắc phục các vị trí hư hỏng, sạt lở, bảo đảm giao thông bước 1 tại các tuyến đường xung yếu, nhất là phương án triển khai thu dọn bùn đất, đá, cây ngã đổ đối với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
Kết hợp đánh giá các thiệt hại của khu vực kết cấu hạ tầng giao thông bị hư hỏng, phương án khôi phục các thiệt hại, tham mưu UBND tỉnh rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tối đa 150 triệu đồng/nhà; các thủ tục liên quan đến việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư, xây dựng nhà ở cho các hộ dân, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đưa người dân về sinh sống ổn định.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn, những địa phương đã xảy ra các trận sạt lở. Đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, vệ sinh môi trường, lương thực, thực thẩm, thuốc men, nước sinh hoạt cho các hộ dân đã được bố trí chỗ ở tạm; Khẩn trương khảo sát, xác định vị trí, lập hồ sơ, thủ tục xây dựng khu tái định cư cho người dân có nhà ở bị trôi, sập hoặc có nguy cơ sạt lở; lấy ý kiến của người dân, cơ quan khoa học chuyên môn đánh giá địa chất, mức độ an toàn, ổn định, quy mô đầu tư.
Dự kiến nguy cơ tác động để có giải pháp an toàn tại khu vực xây dựng khu tái định cư, trên cơ sở đó các huyện chủ động phê duyệt tổng mặt bằng để bố trí đất cho người dân; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tập trung huy động các lực lượng và nguồn lực để xây dựng hạ tầng khu tái đinh cư, làm nhà mới cho các hộ dân; trong đó, tổ chức cắm mốc phân lô ngoài thực địa để triển khai xây dựng công trình nhà ở và nhà sinh hoạt cộng đồng, tính toán quy mô nhà phù hợp với phong tục, tập quán địa phương.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ Sở, Ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hành động, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng kế hoạch, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả cho đời sống nhân dân ổn định.