Ùn tắc nông sản biên giới: Nghịch lý "đổ bỏ" và "thừa chỗ"

THY HẰNG - LILO NGUYỄN 25/01/2022 14:30

Những ngày cuối năm, ngành nông nghiệp vẫn phải chứng kiến hàng ngàn container nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu, chưa có giải pháp triệt để và phải quay đầu tiêu thụ trong nước hoặc "đổ bỏ".

Những ngày cuối năm, ngành nông nghiệp vẫn phải chứng kiến hàng ngàn container nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu, chưa có giải pháp triệt để và phải quay đầu tiêu thụ trong nước hoặc "đổ bỏ". Thì một nghịch lý diễn ra là các doanh nghiệp kho lạnh vẫn “thừa chỗ”, tỷ lệ lấp đầy chưa tới 50%.

Trao đổi với DĐDN, bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH bảo quản rau quả CASS cho biết, chuỗi lạnh trong thủy sản khá hoàn thiện nhưng trong chuỗi trái cây, rau vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa hoàn thiện và chưa được quan tâm đúng mực.

-Thưa bà, thực tế ùn ứ phải huỷ bỏ hàng nông sản dịp cuỗi năm một lần nữa cho thấy rủi ro trong xuất khẩu tiểu ngạch, đặc biệt khẳng định tính cần thiết của hệ thống hạ tầng logistics trong đó có kho lạnh cho bảo quản và dự trữ nông sản chờ xuất khẩu thưa bà?

Việc ùn ứ ở cửa khẩu không chỉ trong tháng qua mà đã là vấn nạn từ nhiều năm qua khi vào mùa vụ cao điểm thu hoạch các loại nông sản, thói quen kinh doanh xuất khẩu nhưng không biết khách hàng của mình là ai cũng gặp nhiều rủi ro, thua lỗ chưa kể vấn đề hạ tầng tại cửa khẩu nước ta chưa phát triển tương ứng và chính sách thông quan thất thường của nước bạn đã làm khó khăn thêm.

Việc phát triển hạ tầng logistics trong đó có kho lạnh cho bảo quản và dự trữ nông sản chờ xuất khẩu là hết sức cần thiết nhằm kéo dài thêm thời gian tươi ngon, giảm thiểu rủi ro cho kinh doanh nông sản.

 -Tuy nhiên, thực tế hạ tầng logistics nói chung và kho lạnh nói riêng trước nay chưa được chú trọng đúng mực, thưa bà?

Hiện có khoảng 18 trung tâm logistics hạng 2 (ICD) và 22 trung tâm logistics hạng 3 phục vụ cho mặt hàng nông nghiệp. Riêng về hệ thống chuỗi lạnh bao gồm kho lạnh và xe lạnh, Báo cáo Logistics 2019 nhận định: “Rất ít doanh nghiệp khảo sát biết khái niệm chuỗi lạnh vì tên gọi của nó còn khá mới mẻ và lạ lẫm, chưa được phổ biến rộng khắp. Logistics chuỗi lạnh vẫn còn trong giai đoạn mới phát triển ở Việt Nam, hiện nay chỉ có một phần rất nhỏ trái cây và rau quả, sản phẩm thịt, cá được phân phối bằng công nghệ logistics chuỗi lạnh. Xe tải đông lạnh chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, chủ yếu một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhằm phục vụ các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu”.

Bên cạnh, Nghiên cứu của CEL Consulting tiết lộ rằng chỉ có 14% các nhà sản xuất Việt Nam được liên kết với các giải pháp chuỗi lạnh, trong đó ngành thủy sản chiếm 42,1% trong tổng số các nhà sản xuất.

 Nghiên cứu của CEL Consulting tiết lộ rằng chỉ có 14% các nhà sản xuất Việt Nam được liên kết với các giải pháp chuỗi lạnh.

Vì không có yêu cầu cao đối với thị trường trong nước, các bên có xu hướng không sử dụng chuỗi lạnh để bảo quản thực phẩm một cách phổ biến vì nó tạo thêm chi phí trực tiếp. Ở Việt Nam, việc giữ cho hàng tươi sống hầu hết được giải quyết theo tốc độ ra thị trường. Ví dụ, các sản phẩm tươi được mang từ các trang trại đến các điểm bán hàng trong một khoản thời gian rất ngắn, cho phép tổn thất được giữ ở mức tương đối chấp nhận được.

Đặc biệt, chuỗi lạnh trong thủy sản khá hoàn thiện nhưng trong chuỗi trái cây, rau vẫn còn nhiều lỗ hổng và chưa được quan tâm đúng mực. Các bên dường như vẫn coi chuỗi lạnh là chi phí chứ không phải tài sản. Tuy nhiên trong tương lai chắc chắn phải thay đổi nhận thức không chỉ chú ý đến yếu tố chi phí vì chuỗi lạnh sẽ giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn và chất lượng hơn.

-Như vậy, đây là một nghịch lý khi nông sản thì thường xuyên phải “giải cứu”, đổ bỏ còn doanh nghiệp cung cấp hạ tầng kho lạnh lại chưa được quan tâm?

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định mà chủ yếu là xuất khẩu. Với số lượng kho lạnh trên chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản cho nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Thị trường kho lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh, doanh nghiệp sản xuất lại chưa thực sự quan tâm.

Thực tế với CASS, mặc dù công suất thiết kế ban đầu là khoảng 4.000pallet, trung bình lưu kho 7 ngày, sản lượng là 9.000 tấn/tháng, 100.000 tấn/năm. Nhưng công suất thực tế của chúng tôi trung bình chỉ đạt khoảng 40% so với công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, khách hàng của chúng tôi là những doanh nghiệp chắc chắn lấy được container mới gửi hàng vào kho lạnh, mà do dịch Covid-19, container lạnh hiện rất khó để book chỗ cùng giá book rất cao. Do đó, khách hàng của CASS cũng giảm mạnh. Công suất thực tế của chúng tôi hiện chỉ khoảng 10%. Đây là điều khiến doanh nghiệp hết sức đau đầu.

-Bên cạnh khó khăn về sản lượng thực tế, CASS còn gặp những khó khăn nào khi chọn con đường tiên phong này, thưa bà?

Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực kho tự động của Việt Nam nên khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấn đề công nghệ. Sau nhiều năm nghiên cứu ứng dụng đến nay chúng tôi tự hào đã làm chủ được công nghệ kho hàng tự động ASRS make in Việt Nam, đây là công nghệ quan trọng nhất để thiết kế các nhà máy sản xuất cũng như các kho hàng, mà trong đó việc lưu trữ và vận chuyển nguyên vật liệu từ khâu tiếp nhận nhập kho đến các khu vực sản xuất, xuất hàng một cách hoàn toàn tự động. Thông tin hàng hóa và hoạt động của các phân xưởng được số hóa hoàn toàn và quản lý theo thời gian thực, kết nối trực tiếp với các thiết bị sản xuất hiện đại.

Công nghệ này sẽ là công cụ rất mạnh của nền sản xuất trong tương lai, không chỉ cho các kho hàng và nhà máy nông sản, giúp cho các phân xưởng linh hoạt thay đổi các dây chuyền sản xuất theo loại nông sản, theo mùa vụ, mà vẫn dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà máy thực phẩm, tiết kiệm năng lượng, nhân công….

Khó khăn kế tiếp là về vốn, vì đây là công nghệ rất quy mô nên cần nhiều vốn và thời gian. Chúng tôi rất mong có chính sách hỗ trợ của nhà nước để chúng tôi vượt qua những khó khăn sau đại dịch hoàn thiện giai đoạn 2 của dự án, mang lại lợi ích thiết thực cho nông sản nước nhà.

-Vậy bà đã dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khó khăn đó như thế nào? Định hướng và mục tiêu phát triển mà CASS hướng tới trong tương lai là gì, thưa bà?

 Chúng tôi trong lúc chờ đợi các chính sách hỗ trợ vẫn cố gắng vận động nhiều nguồn nhưng mức độ nhỏ tốc độ chậm để duy trì hoạt động. Nếu hoàn thiện nhanh chúng tôi sẽ có đa dạng dịch vụ tiện ích doanh thu sẽ đạt kỳ vọng thu hút và phát triển.

Khi đầu tư xây dựng Chúng tôi định hướng CASS sẽ trở thành trung tâm thu gom và phân phối nông sản kiểu mẫu của nước ta và trở thành đơn vị cung cấp giải pháp kho tự động hàng đầu tại Việt Nam. Nơi đây không chỉ có các dịch vụ sau thu hoạch hoàn chỉnh để hàng hóa được chuẩn bị đồng nhất, có dịch vụ bảo quản tốt nhất  giúp thu gom đạt số lượng lớn với chất lượng đồng đều cho kinh doanh nội địa cũng như xuất khẩu mà còn có khả năng phân chia lớn, chuẩn xác đáp ứng tốt các tiêu chí ATTP cho nông sản hỗ trợ tốt cho TMĐT, hơn nữa nơi đây còn có hạ tầng tốt đáp ứng  kiểm tra chất lượng và thông quan nông sản giảm áp lực cho cửa khẩu . 

-Được mệnh danh là “khách sạn 5 sao cho nông sản” điểm khác biệt mà CASS đem lại cho hàng hoá nông sản là gì? “Ngủ đông” không gây thất thoát hàng hoá là điều mà CASS đảm bảo cho nông sản, thưa bà?

Sau khi thu hoạch, rau, trái cây và các loại nông sản khác vẫn tiếp tục hô hấp và còn hô hấp mạnh hơn trước khi thu hoạch, CASS có hệ thống thiết bị hiện đại quy mô lớn giúp điều chỉnh tỉ lệ thành phần khí O2, N2, CO2 trong kho theo hướng giảm O2, tăng Nito đến mức độ phù hợp để giúp nông sản giảm thiểu hô hấp, làm chậm quá trình chín và lão hóa giúp duy trì được độ tươi ngon trong quá trình bảo quản, đồng thời ức chế vi sinh vật phát triển gây hư hỏng nông sản cũng như lây nhiễm chéo giữa các lô hàng.

Riêng với công nghệ CA của CASS thanh long có thể bảo quản đến 2 tháng và trái táo có thể bảo quản lên đến 12 tháng. Đây là biện pháp bảo quản nông sản xanh, sạch tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo quản khắt khe của các thị trường cao cấp. Công nghệ CA giúp cho nông sản chỉ mất khối lượng do mất nước từ 1-2% sau khoảng 10 ngày  bảo quản, so với mất 8-10% trong bảo quản lạnh thông thường; tỷ lệ hư hỏng được giảm từ 15- 30% xuống dưới 5%; tỷ lệ suy giảm chất lượng (phải bán giảm giá), giảm từ 30- 40% xuống còn 2-10%.

Ngoài cung cấp môi trường khí tối ưu chúng tôi còn chú trọng đến hệ thống cấp lạnh và cấp ẩm chuẩn xác nhằm đảm bảo cho nông sản môi trường lưu trữ tối ưu nhất mà không kho nào ở Việt Nam hiện nay có được. Nông sản được bảo quản trong môi trường này có thể kéo dài tuổi thọ từ 2 – 5 lần so với các phương pháp khác. Đây là biện pháp bảo quản nông sản xanh, sạch tiên tiến nhất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo quản khắt khe của các thị trường cao cấp.

Tuy nhiên, yếu tố bảo quản tốt chưa phải là ưu điểm duy nhất mà chúng tôi mang đến cho khách hàng. Chính hệ thống vận hành tự động và hệ thống thông tin hàng hóa được số hóa chặt chẽ khiến cho việc lưu trữ hàng hóa không những tốt hơn nhiều lần mà còn an toàn, chính xác, minh bạch. Việc quản lý thông tin hàng chuẩn xác sẽ giúp khách hàng quản lý hàng từ xa hiệu quả giảm chi phí hệ thống nhân sự, giảm rủi ro nhầm lẫn hàng, tránh xử lý hàng không đạt chuẩn gây hư hỏng sớm, tăng uy tín kinh doanh, tăng lợi nhuận đó mới chính là giá trị “5 sao” mà CASS mang lại cho khách hàng.

-Vậy doanh nghiệp có đề xuất kiến nghị như thế nào để tăng cường phát triển hệ thống kho lạnh cũng như hạ tầng logistics cho nông sản, tránh tình trạng ùn ứ, “giải cứu” như hiện nay?

Vấn đề ùn ứ và giải cứu sẽ giảm và mất đi nếu chúng ta có nhiều hơn những trung tâm logistics nông sản hiện đại. Chúng sẽ giúp kéo giảm tỉ lệ hỏng bỏ, tăng tính tin cậy và kết nối đầu ra dễ dàng cho các bên bởi vì tại các trung tâm đều sẵn có dịch vụ online, theo thời gian thực để khách hàng từ xa có thể test, kiểm tra chất lượng hàng hóa, cảm quan như thế nào, đã được xử lý qua những công đoạn nào, nguồn hàng của nhà cung cấp nào.

Khi tính tin cậy được nâng lên thì thị trường sẽ rộng mở, động lực sản xuất tốt sẽ cao lên do sản phẩm tốt được công nhận đúng, có đầu ra tốt hơn, giá trị cao hơn thì vấn đề giải cứu sẽ không còn mà khát vọng nâng tầm cho nông sản Việt cũng thành hiện thực.

-Theo bà, tư duy về phát triển hệ thống logisics cho nông sản cần được thay đổi quan tâm đúng mực ra sao?

Theo tôi, chúng ta cần phát triển logistics theo hướng ứng dụng công nghệ cao cho khâu sau thu hoạch để có thể khắc phục hiện trạng sở hữu nhỏ lẻ, sản lượng ít, thiếu đồng nhất thành sản phẩm khối lớn, chất lượng đồng đều, minh bạch nguồn gốc và tối thiểu hóa hư hỏng là vấn đề gây đội chi phí logistics nhất hiện nay. 

Thực ra các ý tưởng cải thiện chuỗi logistics cho nông sản đã được đưa ra rất nhiều trong thời gian qua, tất cả đều hướng đến việc áp dụng công nghệ cao, các hướng giải quyết này vẫn còn nguyên giá trị nếu được áp dụng thực tiễn. Tuy nhiên trước đây các công nghệ này chúng ta chưa có và việc mua công nghệ nước ngoài thì không phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh nông sản Việt Nam. Nay việc làm chủ công nghệ sẽ giúp cho việc ứng dụng dễ dàng tùy biến cho phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Chính các hệ thống logistics hiện đại sẽ là động lực thúc đẩy quá trình liên kết chuỗi sản xuất trong nông nghiệp và tạo ra hàng hóa chất lượng cao, giảm các sản phẩm thực phẩm không an toàn trong xã hội.

-Hiện nhiều địa phương như Lạng Sơn hoặc một số tỉnh biên giới phía Bắc đã có đề xuất được hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics với hạ tầng kho lạnh phục vụ bảo quản hàng hoá, theo bà, quy hoạch phát triển này cần được thực hiện theo hướng nào? Đâu là những vùng cần thiết được xây dựng? Cơ chế hợp tác công tư có nên được tính đến trong việc phát triển các hạ tầng kho lạnh, hạ tầng logistics này?

Đây là nhu cầu thiết thực và bức thiết, nhất là cho nông sản là ngành xuất khẩu mũi nhọn của nước nhà.

Theo tôi tạm thời chia làm 3 hướng xây dựng các trung tâm này tùy theo vị trí  đặt trung tâm. Nếu gần vùng nguyên liệu sẽ thiết kế theo hướng trung tâm thu gom.

Nếu gần thị trường thiêu thụ sẽ theo hướng trung tâm phân phối.

Nếu gần khu vực cửa khẩu, cảng thì theo hướng trung tâm trung chuyển có kho bảo quản hiện đại kết hợp hệ thống kiểm tra, thông quan hàng hóa giúp giảm bớt thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu. Với hệ thống của CASS có tính linh hoạt cao nên sự kết hợp trên tương đối dễ dàng.

Những trung tâm logistics này tùy quy mô và tính chất mà quyết định cơ chế hợp tác. Đối với các trung tâm gần cảng, cửa khẩu có hệ thống kiểm tra và chức năng thông quan thì cần có sự tham gia của nhà nước để đạt yêu cầu về quản lý.

Xin cảm ơn Bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ùn tắc nông sản biên giới: Nghịch lý "đổ bỏ" và "thừa chỗ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO