Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam hồi cuối tháng 3, các ứng dụng gọi xe đã ồ ạt ra mắt.
Gần đây nhất, vào ngày 12/6/2018, một “lính mới” trên thị trường ứng dụng gọi xe đã chính thức ra mắt. Đó là FastGo, do người Việt phát triển và dành cho người Việt.
Thông tin từ ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo Việt Nam, một thành viên của NextTech - start-up nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, sau khi ra mắt thị trường Hà Nội trong tháng 6/2018, FastGo sẽ “tiến quân” vào TP.HCM trong tháng 7, sau đó nhanh chóng có mặt ở các tỉnh, thành phố lớn khác ngay trong năm 2018.
“Chúng tôi đặt mục tiêu thu hút 20.000 tài xế và 5 triệu khách hàng trong vòng 2 năm tới”, ông Tuất nói và cho biết, FastGo dự kiến có mặt ở 8 địa phương trong cả nước.
Cũng giống như Uber, Grab, FastGo có 3 dịch vụ cốt lõi, gồm: Fast Car (dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu gia tăng thu nhập); Fast Taxi (dịch vụ liên kết với các hãng taxi) và Fast Luxury (dịch vụ xe hơi sang trọng). Hiện tại, FastGo chưa có kế hoạch tham gia thị trường xe ôm công nghệ.
Nhưng điểm đặc biệt của ứng dụng này là FastGo hiện không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ phần trăm giống Grab, Uber, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Thậm chí, nếu tài xế có thu nhập dưới 100.000 đồng/ngày, thì sẽ được miễn phí.
Cùng với đó, theo ông Tuất, ứng dụng này sẽ giữ giá ổn định, không nhân giá theo nhu cầu vào giờ cao điểm. Mức giá trung bình với dịch vụ Fast Car (dịch vụ xe 4 chỗ) là 7.900 đồng/km, thấp hơn so với giá của các dịch vụ đặt xe khác hiện nay.
Ra mắt trước đó, Aber - ứng dụng do một nhóm kỹ sư người Việt tại châu Âu phát triển vừa ra mắt cuối tuần trước đưa ra tuyên bố không tăng cước giờ cao điểm và cước sẽ rẻ hơn Grab vài trăm đồng đến 1.000 đồng.
Aber còn tuyên bố không thu chiết khấu với lái xe mà chỉ thu phí dùng từ 70.000 đến 300.000 đồng (với xe máy), 750.000 đồng đến 2 triệu mỗi tháng với ôtô. Các dịch vụ mà Aber mang đến là Aber Bike, Aber Car, Aber Truck, Aber Travel, Aber Business và Aber Express. Theo ông Huỳnh Lê Phú Phong, thành viên sáng lập Aber, nhu cầu về dịch vụ gọi xe công nghệ hiện nay tại Việt Nam chưa đến đỉnh điểm phát triển và nhu cầu còn rất lớn trong khi Uber vừa rời khỏi thị trường nên đây là cơ hội vàng cho Aber. Aber sẽ tính phí quản lý ứng dụng cố định tùy vào tổng thu nhập hàng tháng của tài xế. Mức phí này không tính trực tiếp vào mỗi chuyến xe mà được trừ sau mỗi tháng.
Cũng theo ông Phong, các đối tác xe máy sẽ được miễn phí sử dụng app nếu tài xế có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng; thu nhập từ 500.000-1.499.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 70.000 đồng. Với những tài xế có thu nhập từ 1.500.000-1.999.000 đồng/tháng sẽ đóng 150.000 đồng; thu nhập từ 2.000.000-2.999.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 200.000 đồng; thu nhập trên 3.000.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 300.000 đồng.
Với đối tác là tài xế taxi, hãng cũng áp dụng miễn phí phí quản lý nếu thu nhập dưới 5.000.000 đồng/tháng. Tài xế có thu nhập 5.000.000-9.999.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 750.000 đồng; thu nhập từ 10.000.000-14.999.000 đồng/tháng đóng phí 1.200.000 đồng. Những tài xế thu nhập 15.000.000-19.999.000 đóng phí 1.600.000 đồng; thu nhập trên 20.000.000 đồng/tháng đóng phí 2.000.000 đồng.
“Tài xế càng đạt doanh thu cao thì phí quản lý sử dụng ứng dụng sẽ càng giảm. Đây là chính sách mà chúng tôi hướng đến vấn đề nhân văn khi biết rằng đằng sau lưng họ là còn có gia đình. Đặc biệt, chúng tôi không thu phí nếu thu nhập hàng tháng của tài xế xe ôm dưới 500.000 đồng và tài xế taxi dưới 5 triệu đồng”, ông Phong khẳng định.
Đại diện Aber cũng cam kết sẽ không tăng giá cước trong giờ cao điểm như một số hãng công nghệ khác trên thị trường đang áp dụng. Giá cước cho mỗi chuyến đi được hiển thị ngay trên ứng dụng. Aber ra đời không để cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào mà Aber ra đời để thêm một sự lựa chọn cho người Việt. Mục tiêu lớn nhất của Aber là phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng chứ không quan tâm đến đối thủ khác.
Tuy nhiên, dù có bất kỳ cam kết nào khi ra mắt, sau một thời gian, các ứng dụng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả người dùng lẫn tài xế. Với tâm lý ủng hộ hàng Việt, anh Nghĩa Hiệp – một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội đặt thử xe đi sân bay Nội Bài từ phố Duy Tân qua VATO vài ngày sau khi ứng dụng này ra mắt và được tính với giá 236.000 đồng.
Thế nhưng, theo anh, mức này chỉ rẻ hơn Grab vài nghìn nhưng còn đắt hơn 40.000-60.000 đồng nếu so với các taxi chạy dịch vụ sân bay đặt trước. "Tôi còn bị nhầm khi đợi xe đến đón vì tài xế sử dụng xe Toyota Vios nhưng ứng dụng lại hiển thị là dòng xe Haima", anh Hiệp kể về một vài sự bất tiện.
Công nghệ chưa thuận tiện, ổn định là hạn chế mà hầu hết các ứng dụng gọi xe Việt Nam đang gặp phải. Trên một số diễn đàn, nhiều người tiêu dùng cũng nhận định, VATO, T.net, Mai Linh Bike... chưa giải quyết tốt bài toán về công nghệ như nhiều lúc vẫn còn bị treo, định vị không chính xác.Trên trang fanpage của Aber, một số tài xế phản ánh gặp khó khăn khi đăng ký trở thành đối tác qua ứng dụng này vì thường bị bật ra ngoài trong quá trình thao tác.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”.