Công nghệ

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất

Minh Huệ - Trung Thành 22/02/2025 00:05

Trước tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nam Định đang tích cực chuyển đổi, ứng dụng mạnh mẽ hoa học và công nghệ vào sản xuất.

Đưa khoa học công nghệ đến gần

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nam Định: Giai đoạn 2021-2025, Sở đã quản lý gần 100 nhiệm vụ KHCN góp phần thúc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ và cải thiện chất lượng đời sống.

4.jpg
Khoa học và công nghệ còn góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (Ảnh minh họa)

Từ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND về “Quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh Nam Định”, Sở KHCN và các sở, ngành liên quan đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong các hoạt động thương mại, tăng vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ thiết kế xây dựng website quảng bá sản phẩm hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Sở KHCN thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ đồng thời tích cực thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KH và CN để hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án nổi bật như mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao, ứng dụng nguồn gen bò thịt (Red Angus và Senepol) và công nghệ sinh sản nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt. Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ… đã đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào thực tiễn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Song song với đó, các nghiên cứu về xử lý nước thải làng nghề tại xã Xuân Tiến (nay là xã Xuân Phúc) huyện Xuân Trường. Nghiên cứu khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy… đã giúp bảo vệ môi trường, hạn chế suy thoái và bảo vệ đa dạng sinh học.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá cũng đạt những kết quả ấn tượng. Sở KHCN đã kết nối với Viện Năng suất Việt Nam hỗ trợ 37 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thực hiện công bố chất lượng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các mô hình cải tiến năng suất (ISO 14001; ISO 22000; ISO/IEC 17025; ISO 50001; VietGAP, HACCP, 5S, Lean…).

Giai đoạn 2021-2024, Sở KHCN đã hướng dẫn 6 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia. Đặc biệt, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam là 1/22 doanh nghiệp trên cả nước đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký trao tặng Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2022 nhờ thành tích xuất sắc trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.

1(1).png
Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu khoa học và công nghệ giúp thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp và nhà nghiên cứu (Ảnh Báo Nam Định)

Nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương

Theo Sở KHCN Nam Định: Thời gian qua, Sở thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ đồng thời tích cực thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KH và CN để hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc định vị thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm đã trở thành yêu cầu tất yếu. Sở KHCN đã tăng cường công tác tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống, sản phẩm chủ lực và sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Các hoạt động hỗ trợ gồm: thiết kế, xây dựng nhãn hiệu; xây dựng quy chế, mô hình quản lý, sử dụng nhãn hiệu; xây dựng các phương tiện quảng bá, khai thác giá trị nhãn hiệu và hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại giúp các sản phẩm như: Phở xưa Nam Định, Tơ lụa Cổ Chất, Nếp bắc Nghĩa Bình, các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Nam Định thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định hay Mật ong rừng sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy, Bánh nhãn Hải Hậu, Lúa tám ấp bẹ Xuân Đài khẳng định vị thế trên thị trường.

Đặc biệt 185 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên cùng hơn 100 bản quyền tác giả, quyền liên quan và 120 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp được Sở KH và CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại. Những nỗ lực này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn nâng cao danh tiếng cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

3.jpg
Giai đoạn 2021-2024, Nam Định có 6 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Không chỉ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và còn góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường KHCN ở tỉnh Nam Định: vẫn chưa phát triển toàn diện, chưa tạo liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Sự liên thông giữa thị trường KHCN của tỉnh với các tỉnh khác, với nước ngoài còn hạn chế.

Trong khi đó, nhu cầu ĐMST của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Hầu hết doanh nghiệp ở tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao. Do vậy, việc chủ động tham gia thị trường KHCN của doanh nghiệp còn hạn chế.

Muốn thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ vào đời sống, sản xuất thời gian tới, Sở KHCN cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các chính sách về thị trường KH và CN. Trong đó, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa KH và CN. Chính sách tài chính hỗ trợ hoạt động KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

Tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức, doanh nghiệp KH và CN.

Xây dựng chương trình hợp tác, kết nối về khoa học với các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành nhằm liên kết với các nhà khoa học để đặt hàng công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu mới trên cơ sở tổng hợp nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất các chương trình, nhiệm vụ KH và CN cấp quốc gia, cấp tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH và CN trên thị trường. Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công nghệ mới, sản phẩm công nghệ; các kênh tìm kiếm và chuyển giao công nghệ ở trong và nước ngoài. Mạng lưới chuyên gia công nghệ để các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tại địa phương khai thác, sử dụng... Đồng thời tiếp tục phát triển các tổ chức trung gian, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH và CN. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông, hội nhập quốc tế và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng của thị trường KH và CN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO