Chính trị - Xã hội

Triệu trái tim hướng về vùng lũ

Phạm Tuấn 13/09/2024 05:00

Đất nước tôi có những đêm không ngủ. Con dân Việt Nam từ nước ngoài cho đến ở nơi an toàn, không bão lũ, đều lo lắng, xót xa cho người dân đang chịu thiên tai.

Nhìn cảnh nước lũ dâng cao, bà con đồng bào co ro ngồi trên mái nhà hay vật lộn giữ mạng sống giữa dòng nước hung dữ đục ngầu mà lo đến thắt lòng. Chính quyền, quân đội, công an… cả hệ thống chính trị cùng người dân vào cuộc. Không quản khó khăn, nguy hiểm, tất cả đã lao mình vào vùng lũ. Cứu trợ nhân dân không chỉ bằng thiết bị, phương tiện, mà bằng cả tấm lòng với đồng chí, đồng bào.

ttg.jpg
Thủ tướng vào thăm, động viên người dân xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị nước lũ chia cắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ánh mắt trĩu nặng ưu tư, ngồi xuồng máy đi vào vùng lũ của Bắc Giang, tổ chức họp ngay tại trụ sở xã Việt Yên, trước đó thì lội nước đến tận nhà dân. Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ tay bế, tay dắt trẻ con, cùng đoàn công tác đứng nói chuyện với cụ ông cởi trần, mặc quần đùi làm người dân thấy ấm lòng, thêm tin tưởng vào chỉ đạo của chính quyền hơn.

Miền Trung lũ lụt ngày nào, miền Nam sầm uất đông vui, đang hướng về miền Bắc. Tinh thần “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam lại được khơi bừng, thắp sáng lên ngọn lửa ấm tình người. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, các chị, các mẹ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trắng đêm gói hàng vạn chiếc bánh chưng gửi ra vùng lũ. Tại Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, hoạt động cứu trợ diễn ra sôi nổi, người dân hành động bằng lời kêu gọi từ trái tim mình.

banhchung.jpg
Người dân Nghệ An tập trung nấu bánh chưng để kịp gửi ra cho bà con phía Bắc

“Lá lành đùm lá rách”, không chỉ quyên góp tiền bạc, vật dụng, mà từng đội tình nguyện khắc phục cây xanh đô thị, hỗ trợ khôi phục hệ thống điện, sẵn sàng lên đường lao vào vùng nguy hiểm. Vì ở đó có đồng chí, đồng bào, có người dân là anh em từ người mẹ chung mang tên Tổ Quốc đang chờ, đang mong sự cứu giúp. Tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ khó khăn tạo thành làn sóng mạnh mẽ, khỏa lấp, xoa dịu đi làn sóng nước đục ngầu đang tàn phá miền Bắc thân yêu.

Là con dân người Việt, với thời đại hiện nay, nơi đâu trên dải đất này mà không có người thân hay bạn bè. Đọc lời cầu cứu trên mạng xã hội, có cả lời nhắn nhờ cứu trợ hàng chục cái quan tài, thực sự là đau xót vô cùng.

Bão lũ cuốn trôi đi, cái mặt nạ giả dối của công trình bị ăn cắp, ăn bớt, lộ ra cùng bao điểm yếu cần khắc phục về cơ sở hạ tầng. Giờ không có cơ hội để sửa chữa hay dành chỗ cho từ “giá như”, hãy dồn sức cho việc cứu người, hạn chế thiệt hại là ưu tiên hàng đầu.

Cũng một phần khá lâu, bão lũ lớn không tấn công miền Bắc, tâm lý chủ quan vẫn còn nằm trong ý thức, nên các biện pháp phòng tránh chưa thực sự quyết liệt, triệt để. Bao năm rồi, người dân Hà Nội mới quay lại cảnh chạy lũ. Thủy điện Hòa Bình cùng nhiều công trình trị thủy làm hiếm khi nước sông Hồng lên cao như hiện nay. Phần ngoài đê, đúng ra là phần cấm kị không được xây dựng, nay có biết bao ngôi nhà, hộ dân đang sinh sống nên bắt buộc phải di dời. Phần trong đê, nhà cao tầng dày đặc kéo nền đất lún xuống, nguy cơ ngập nước đe dọa nội đô Hà Nội.

Người dân ở vùng còn an toàn nên theo dõi sát sao, cập nhật thông tin dự báo và chỉ đạo từ chính quyền địa phương. Chuẩn bị sơ tán vật dụng lên chỗ cao an toàn, chuẩn bị chỗ tránh trú nếu mưa lớn kéo dài và nước vẫn dâng cao.

Người dân vùng cao mạn Tây Bắc, nếu nhà cửa ở gần taluy dốc, dưới chân núi, ven sông suối có độ dốc lớn, nên đóng gói đồ đạc, di dời đến vị trí an toàn. Chuẩn bị sẵn đèn pin, vải mưa, lương khô, thuốc uống. Cần nhớ, không di chuyển qua cầu, gầm đập khi nước đã lên.

Xin thành thật tri ân các nhóm cứu trợ thiện nguyện, nhưng việc làm từ thiện này cần hết sức cẩn trọng mới có thể đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho chính nhóm cứu trợ. Nếu dấn thân vào địa hình không thông thuộc, trao quà kiểu tận tay tự phát có thể sẽ đi vào vùng nguy hiểm, và lại thành nhóm cần cứu hộ thì phản tác dụng và tạo thêm gánh nặng cho lực lượng chuyên nghiệp. Dân cố thủ trên nhà tầng cao thì cần bếp ga, nước sạch, đồ ăn, sạc dự phòng, chứ không phải cứ chỗ nào cũng mì tôm. Ở vùng bị ngập sâu, lụt nặng thì chính quyền, quân đội với lực lượng đông đảo, chuyên nghiệp, phương tiện đầy đủ sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Thủ tướng yêu cầu có cả trực thăng tham gia cứu hộ, nên việc cứu hộ nên dành cho lực lượng địa phương.

Như bạn bè của người viết hiện đang trong vùng lũ thông tin thì bếp ga mini, bình ga, nước sạch, thuốc men thiết yếu, thuốc đau bụng, khử trùng, lương khô, lương thực, thực phẩm, vật dụng làm tín hiệu kêu gọi trợ giúp như đèn pin, pháo sáng, pháo khói… là vật chất thực sự hữu ích bây giờ, tác dụng hơn nhiều so với áo phao, thuyền bè, mì tôm.

Hãy hợp tác với chính quyền địa phương, chỉ có họ là hiểu rõ nơi nào cần nhất những thứ gì, để tấm lòng thảo thơm của mọi người thực sự lan tỏa được hiệu quả của sự yêu thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triệu trái tim hướng về vùng lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO