Chuyên đề

Ứng phó thời kỳ thuế quan mới

Lê Mỹ 13/02/2025 16:15

Ứng phó với thời kỳ thuế quan “có đi, có lại” được phát động từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Việt Nam cần xác định tâm thế nào?

chinh-sach-thue-17388711688201956949111.jpg

Trong thời kỳ Trump 1.0, Việt Nam đã được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại tập trung công nghệ. Ở thời kỳ Trump 2.0 vừa mới được bắt đầu, Mỹ đã công bố áp thuế cho 3 quốc gia đầu tiên Canada, Mexico và Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã có động thái trả đũa đầu tiên. Tuy nhiên, giới quan sát đã bắt đầu lo ngại khả năng Việt Nam không được hưởng lợi ngay như trước đây trong nguy cơ một cuộc chiến thương mại quy mô lớn hơn, và “lửa” thuế quan cũng sẽ lan đến thương mại song phương của mình khi Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết ông có kế hoạch công bố thuế quan có đi có lại đối với nhiều quốc gia. Và thực tế ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% cho mọi mặt hàng thép, nhôm xuất khẩu vào Mỹ.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận định Việt Nam cần chuẩn bị trước các vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới. Thủ tướng lưu ý các cơ quan đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.

Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…

Với thông điệp mới nhất của Tổng thống Trump, giới chuyên môn cho rằng Việt Nam khó đặt mình “ngoài cuộc” khi Mỹ có thể tiến hành áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ bằng mức thuế mà các đối tác thương mại áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Ông Suan Teck Kin, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, sức ép chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN trong đó có Việt Nam, dù đây vẫn đang là điểm các dòng vốn từ Mỹ. Tuy nhiên, nếu khó khăn về đầu ra ở thị trường Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu sang châu Âu, Tây Âu, Đông Âu và các quốc gia khác. Đồng thời đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để tránh phụ thuộc 1 thị trường. Đặc biệt, cần có biện pháp ngăn chặn việc bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, bảo vệ uy tín hàng hóa của Việt Nam.

Đối với sức ép của làn sóng hàng hóa nhập khẩu được dự báo có khả năng sẽ tăng tốc đổ bộ vào Việt Nam, từ cả nhà sản xuất thị trường cạnh bên lẫn từ thị trường Mỹ nếu phải mở rộng giảm thuế, các chuyên gia cũng cho rằng đây chính là thời điểm doanh nghiệp nội địa phải chủ động có phương án ứng phó.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phải kết hợp với các Hội doanh nghiệp, có sự gắn bó với cơ quan quản lý nhà nước để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế... qua đó đảm bảo điều kiện sản xuất tiêu thụ và tiếp tục đóng góp các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng phó thời kỳ thuế quan mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO