Một hành trình 20 năm bền bỉ và kiên trì ươm mầm để tạo ra cho xã hội những doanh nhân tương lai thì không phải tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp nào cũng làm được như Diễn đàn Doanh nghiệp.
Khi Diễn đàn Doanh nghiệp (DĐDN) tròn đúng tuổi 30 thì Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí tổ chức thực hiện dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng hành được 2/3 chặng đường. Ở góc độ Ban tổ chức, các nhà báo của DĐDN phải không ngừng đổi mới sáng tạo để thiết kế các chương trình phù hợp với thực tiễn và thời cuộc cho nhiều đối tượng.
Một trong những nội dung quan trọng được triển khai thường xuyên hàng năm trong các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia chính là đào tạo. Những khóa học Hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh, Khởi sự doanh nghiệp theo chương trình đào tạo SIYB của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lúc bấy giờ đã giúp các bạn trẻ mong muốn được kinh doanh, khát khao làm giàu biết cách tìm ra ý tưởng, tiến tới nắm vững được các vấn đề cốt lõi khi khởi tạo.
Tuy nhiên, sự thay đổi mang tính bước ngoặt chính là việc chuyển sang đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ năm 2016 khi Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) được phê duyệt. Đến bây giờ, đào tạo về khởi nghiệp ĐMST vẫn là nội dung được Ban tổ chức triển khai cho các khóa học Tối ưu Mô hình kinh doanh dành cho các bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh, hay các đợt huấn luyện chuyên sâu (từ 1 - 4 tháng) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ theo mô hình 1-1-1 gồm 1 huấn luyện viên khởi nghiệp ĐMST – 1 cố vấn tập sự - 1 nhóm dự án (gồm CEO/Founder và các nhân viên chủ chốt)…
Từ năm 2020 - 2022, được sự hỗ trợ và hợp tác từ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam – UNDP, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia – là đơn vị tiên phong trong việc đưa nội dung liêm chính vào giảng dạy cho các doanh nghiệp trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp để cùng nhau thực hiện liêm chính trong kinh doanh, vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham những, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia còn nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp mới – khởi nghiệp tạo tác động, hướng đến phát triển bền vững theo các tiêu chí SDG của Liên hiệp quốc thông qua đào tạo khởi nghiệp tạo tác động và khởi nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ở bất kỳ nội dung triển khai nào các chương trình đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn thanh niên – sinh viên, startup, các doanh nghiệp, các cố vấn, giảng viên, vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…
“Làm thế nào để tiếp tục đưa được yếu tố đổi mới sáng tạo vào trong hoạt động của các doanh nghiệp SME, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp - startup?” là yêu cầu luôn đặt ra cho Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Nếu chương trình không có những thay đổi kịp thời trước thách thức của thời cuộc thì khó thu hút được sự quan tâm và tham gia của cộng đồng khởi nghiệp. Thật may mắn, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, ủng hộ trong việc ban hành các chính sách và nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi dành cho khởi nghiệp.
Gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ mới. Quyết định có đề ra nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó có nhấn mạnh đến "khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn".
Nghị quyết 41 ra đời đã tạo tiền đề và cơ sở cho việc tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, trong đó Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò VCCI trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tập hợp liên kết, hợp tác hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia mong tiếp tục được hợp tác với các bộ, ban ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế, các địa phương để cùng thúc đẩy, phát triển thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ, kết nối khởi nghiệp, cùng nhau phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Tuyển chọn tham gia Chương trình phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2023
09:46, 05/09/2023
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cùng tỉnh Quảng Nam ươm mầm doanh nhân Việt
10:23, 18/03/2023
Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới giới trẻ
11:03, 13/02/2023