Ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Doanh nghiệp không mặn mà hay sự chậm trễ của chính quyền?

Thục Uyên 21/07/2018 00:12

Cho rằng, tỉnh Khánh Hòa không cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù để triển khai Nghị định 210 của Chính phủ, nên sau 3 năm trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp được ưu đãi về đầu tư.

Trong kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI diễn ra vào sáng 19/7, Đại biểu Phạm Bình Hoàn cho rằng: Đối với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã có Nghị định (NĐ) 210 năm 2013, tiếp tục được thay thế bằng NĐ 57 năm 2018 với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp (DN) nhưng việc triển khai trên địa bàn tỉnh còn chậm, ít DN tiếp cận được?

Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết 26 năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh thực chất là cụ thể hóa NĐ 210 trên địa bàn tỉnh, khi NĐ 57 có hiệu lực thay thế NĐ 210 thì Nghị quyết 26 sẽ không còn phù hợp, vậy việc tham mưu UBND tỉnh triển khai NĐ 57 đến nay ra sao?

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho hay: NĐ 210 năm 2013 của Chính phủ là NĐ khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng phạm vi nó tương đối rộng; UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương có tham mưu UBND tỉnh, trước mắt trên địa bàn tỉnh không cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù để triển khai Nghị định 210 trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI.

Ông Bản cho biết: từ năm 2015 đến nay, trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, các DN có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước theo quy định; trên địa bàn tỉnh đã có 3 DN được hưởng ưu đãi đầu tư gồm: dự án trồng dược liệu của Công ty Cổ phần Trang trại dược liệu Liên Sơn, dự án nuôi heo của Công ty TNHH Hương Liên và dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH Thông Thuận. Đối với hỗ trợ đầu tư theo nghị định 210, thực tế trong 3 năm qua chỉ có 1 DN được hưởng lợi đó là dự án chăn nuôi heo của Công ty TNHH Seven Farm với tổng mức đầu tư là 14 tỷ đồng. Nguyên nhân ít DN được hưởng lợi là do điều kiện quy định về quy mô sản xuất được hưởng lợi theo Nghị định 210 quá cao.

Về sự phù hợp của Nghị quyết 26 sau khi NĐ 57 (thay thế NĐ 210) có hiệu lực từ tháng 4-2018, ông Bản khẳng định: “Chính sách của Nghị quyết 26 không ảnh hưởng gì đến NĐ 210 cũng như NĐ 57 vì chính sách này được thiết kế nhằm giải quyết tiêu chí thu nhập của nông dân trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Đối với việc triển khai NĐ 57, theo ông Bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với các Sở triển khai. Ngành NN-PTNT với trách nhiệm của mình đã làm tờ trình, đề xuất UBND tỉnh khi triển khai nghị định này, nếu có chính sách đặc thù của địa phương thì kết hợp với các giống cây trồng, vật nuôi mang tính chất đặc thù của tỉnh để tập trung ruộng đất phát triển, bởi chính sách của NĐ 57 khác hơn so với NĐ 210 là hỗ trợ để tập trung ruộng đất nhằm tạo thành những khu sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

  • Khai thác khoáng sản trái phép “nóng” tại phiên chất vấn của HĐND Khánh Hòa

    Khai thác khoáng sản trái phép “nóng” tại phiên chất vấn của HĐND Khánh Hòa

    16:46, 19/07/2018

  • Cát tặc lộng hành tại Khánh Hòa

    Cát tặc lộng hành tại Khánh Hòa

    14:00, 02/04/2018

  • Chủ đầu tư dự án Hòn Rùa bị xử phạt vì xây dựng trái phép

    Chủ đầu tư dự án Hòn Rùa bị xử phạt vì xây dựng trái phép

    11:15, 17/07/2018

Phản biện lại câu trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT, Đại biểu Phạm Bình Hoàn cho rằng: Nghị định 26 của tỉnh Khánh Hòa là dựa trên Nghị định 210 của Chính phủ mới ra được, căn cứ vào sản phẩm và nguồn lực của địa phương, địa phương có quyền ban hành chính sách, quy định rõ là cái nào Trung ương chi, cái nào địa phương chi. "Còn Nghị định 26 mà không liên quan gì đến Nghị định 210 là tôi không đồng ý, vì trong Nghị định 26 có ghi rõ căn cứ Nghị định 210. Theo Luật ban hành văn bản pháp luật, khi mà văn bản cấp trên mất hiện lực thì văn bản cấp dưới quy định cũng mất hiệu lực theo, nên Giám đốc Sở NN&PTNT nói không ảnh hưởng là không đúng.", Đại biểu Hoàn nói.

Nói về tình kịp thời khi triển khai Nghị định, ông Hoàn cho rằng: Nghị định 210 ban hành và có hiện lực từ năm 2013 nhưng đến 2016 thì tỉnh Khánh Hòa mới ra Nghị định 26 tức là 3 năm sau mới triển khai. Với trách nhiệm của mình thì Sở NN&PTNT phải xem xét cái nào phù hợp cái nào không phù hợp để tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai sớm, chứ 3 năm sau mới ban hành Nghị định 26 thì đã kịp thời chưa.?

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nhìn nhận: Để hưởng các chính sách hỗ trợ thì DN phải có đề xuất cụ thể; thông tin có, chính sách có nhưng thực tế DN chưa mặn mà. Sở sẽ cùng với các cơ quan phối hợp đánh giá để có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai các NĐ hiệu quả hơn. Đối với việc triển khai NĐ 57, đến kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm nay sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách triển khai.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý: “Tất cả các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn cần triển khai nhanh nhưng phải trên cơ sở đánh giá thực trạng của tỉnh. Khi ban hành chính sách để thực hiện NĐ 57, việc quan trọng là phải đánh giá tác động của chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đề nghị các ngành, các cấp phải bàn bạc, nghiên cứu; nếu cứ đặt ra trên giấy mà DN không mặn mà thì rõ ràng chính sách không đi vào thực tế cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Doanh nghiệp không mặn mà hay sự chậm trễ của chính quyền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO